Chủ động quản lý và phòng từ sâu đầu đen hại dừa

         Sâu đầu đen (Black headed caterpillar) có tên khoa học Opisina arenosella Walker thuộc Họ: Bướm đêm (Oecophoridae); Bộ: Cánh vảy (Lepidoptera).

       Theo Trung Tâm Bảo vệ thực vật phía Nam diện tích nhiễm sâu đầu đen trong vùng 148 ha tập trung 02 tỉnh Bến Tre  146,8 ha và Sóc Trăng 1,2 ha. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến nay, chưa ghi nhận diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại.

         Với đặc điểm gây hại của sâu đầu đen là ăn bên trong biểu bì của lá dừa, thải phân ra bên ngoài, sau đó chúng sẽ kết dính bởi các sợi tơ được tạo ra bằng chất thải và mảnh vụn ở mặt dưới của lá để bao bọc cơ thể bên trong, sâu ẩn mình ở những đường hầm này để ăn chất diệp lục của lá, làm cho phần lá bị hại cháy khô. Sâu tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên. Khi mật số sâu đầu đen quá nhiều, chúng sẽ tấn công cả phần bề mặt xanh của vỏ trái, sâu hóa nhộng trong các lá chét, nhộng vũ hóa thành bướm và bay đi. Với những đặc điểm gây hại như thế sẽ giảm năng suất đáng kể trên các vùng dừa bị sâu đầu đen gây hại.

Sâu đầu đen gây hại trên cây dừa (nguồn: Trung tâm BVTV phía Nam)

 

         Hiện tại sâu đầu đen đang có chiều hướng lây lan sang các tỉnh lân cận. Để chủ động trong việc quản lý và phòng trừ cần thực hiện một số cộng việc như sau:

          - Tăng cường công tác điều tra, phát hiện triệu chứng gây hại của sâu đầu đen, tiến hành khoanh vùng; tổ chứng tập huấn hướng dẫn phòng trị, ngăn chặn kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.

          - Tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thăm vườn thường xuyên phát hiện sâu gây hại kịp thời để có các giải pháp ứng phó và phòng trừ chủ động.

          - Khi phát hiện có sâu đầu đen xuất hiện và gây hại: Khẩn trương tiêu hủy triệt để các tàu lá bị hại bằng cách đốt, phun thuốc hoặc vùi xuống mương nước nhằm làm giảm đáng kể mật số sâu hại.

       - Theo kinh nghiệm Chi cục Trồng trọt và BVTV Bến Tre: Nếu vườn bị gây hại trong khu dân cư hoặc chăn nuôi, nông dân nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, phun nhiều lần cách nhau 5-7 ngày. Riêng đối với thuốc hóa học: Có thể sử dụng thuốc trừ sâu gốc flubendiamide, thuốc trừ sâu gốc emamectin benzoate,… sử dụng theo liều lượng khuyến cáo (tùy theo tuổi cây và tán lá sử dụng lượng nước và thuốc cho phù hợp).

          - Về lâu dài để quản lý sâu đầu đen theo hướng an toàn, bền vững có thể sử dụng biện pháp sinh học sử dụng nguồn thiên địch trong tự nhiên như: Kiến vàng, Ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, bọ đuôi kìm,…

           * Lưu ý:

          - Không nên phun ngừa khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại của sâu trên cây dừa;

          - Sử dụng thuốc hóa học tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”; lựa chọn các gốc  thuốc trừ sâu ít hoặc không ảnh hưởng đến thiên địch, cá và môi trường.

   

                                                                                    Nguyễn Thị Lùng

                                                                          Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật

 

   Tài liêu tham khảo:

        http://coconutpests.org/uploads/CPDT_content/pdf/IPM%20coconut%20P:D.pdf: The High Level Expert Consultation on Coconut Sector Development FAO Regional Office for Asia and the Pacific, Bangkok, Thailand 30 October – 1 November 2013;

        https://baotintuc.vn/dia-phuong/ben-tre-phong-tru-sau-dau-den-hai-dua-20210225105234939.htm;

       https://baotintuc.vn/dia-phuong/ben-tre-phong-tru-sau-dau-den-hai-dua-20210225105234939.htm;

 http://ccttbvtv.vinhlong.gov.vn/Info.aspx?id=492020154116112;

       Trung Tâm BVTV phía Nam: Số 02/BVTV-TV, ngày 15/3/2021“V/v thông tin về sâu đầu đen gây hại dừa”.                               

    

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới