Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Giải pháp có trong tầm tay
Lượt xem: 3213
Nếu coi phát triển khoa học và đổi mới công nghệ là một trong những giải pháp chính để trở thành quốc gia thịnh vượng trong tương lai, Việt Nam cần đổi mới chính sách đầu tư để nâng cao động lực đổi mới công nghệ ở khối tư nhân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia đổi mới công nghệ.

Phao quan trắc nước mặn sử dụng năng lượng mặt trời do tập đoàn Mỹ Lan phát triển và lắp đặt. Nguồn: VOV

Là một trong ba báo cáo về KH&CN và đổi mới sáng tạo mới ra mắt vào cuối tháng 10/2021 với sự tham gia thực hiện của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức CSIRO và Bộ KH&CN, “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam” đem lại một cái nhìn sâu hơn vào thực trạng đổi mới công nghệ của đất nước trong những năm từ 2000 đến 2019 “nhằm hiểu rõ hơn về thực trạng phát triển công nghệ ở Việt Nam cũng như đóng góp của các hoạt động KH&CN khác nhau đối với quá trình đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian vừa qua” như mục tiêu đề ra.

Có lẽ, với người Việt Nam, những thông tin về thực trạng mà báo cáo đưa ra có thể không có quá nhiều điểm mới bởi đó là những điều đã hiển hiện trong suốt gần 20 năm qua. Tuy nhiên, việc chứng thực tất cả những điều đó bằng một bộ dữ liệu khảo sát các doanh nghiệp, phân tích nó một cách cẩn trọng và căn cứ vào đó để đưa ra các khuyến nghị chính sách vô cùng hữu ích.

Tại lễ ra mắt báo cáo, ông Xavier Cicera, chuyên gia kinh tế ở Worldbank, cho rằng hiện nay ở Việt Nam “các chính sách và thể chế chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo: thứ nhất, hầu hết các chính sách và mục tiêu chính sách không phù hợp với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp trong khu vực, hầu hết các dự án lớn quan trọng nhất không phải là dự án đáp ứng trực tiếp nhu cầu doanh nghiệp; thứ hai năng lực thiết kế và thực thi chính sách vẫn còn nhiều vấn đề”. Bên cạnh đó, ông cũng nhận xét về một số rào cản tồn tại làm ảnh hưởng đến quá trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp như “sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế, rất nhiều trường hợp các hoạt động còn mang tính nhỏ lẻ; thiếu tính liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều chính sách ưu đãi hoạt động hợp tác này, thậm chí còn ngăn cản hoạt động hợp tác giữa viện, trường và doanh nghiệp”.

Đầu tư đổi mới công nghệ còn rụt rè

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự thay đổi cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận thấy giá trị của công nghệ số đối với sự phát triển của mình, ví dụ có hơn 25% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi xảy ra đại dịch và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Còn theo khảo sát của World Bank thì tính đến tháng 6/2020, có 48% doanh nghiệp đã chuyển sang nền tảng số.

Những sản phẩm máy nông nghiệp của Công ty Bùi Văn Ngọ đã được bán tại thị trường Đông Nam Á. Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của vấn đề. Việc hoạt động trên nền tảng số, muốn thật sự hiệu quả, cần dựa trên những bước phát triển trước đó về công nghệ. Lâu nay ở Việt Nam, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp là yếu tố chưa được quan tâm nhiều. Nếu các doanh nghiệp quốc tế chủ yếu dựa vào công nghệ để tạo ra sức cạnh tranh và điều khác biệt trong sản phẩm của mình thì ở Việt Nam, đổi mới công nghệ vẫn còn là điều khiến nhiều doanh nghiệp e ngại vì sợ rủi ro hoặc tốn kém. Theo kết quả khảo sát thực hiện năm 2015 của của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công nghệ chỉ được xếp hàng thứ năm về tầm quan trọng, sau các yếu tố như thị trường, nguồn tài chính, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực.

“Báo cáo chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp tại Việt Nam”, mới công bố vào tháng 8/2021 của Tổ chức OECD, cũng đưa ra nhận định: các doanh nghiệp SME của Việt Nam dù tương đối sáng tạo về sản phẩm và quy trình, bao gồm cả việc áp dụng tự động hóa, nhưng đầu tư hạn chế cho R&D, do đó hầu hết các đổi mới này đều là “đổi mới tiết kiệm”.

Trong “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam”, các chuyên gia xây dựng báo cáo lưu ý đến một đặc điểm quan trọng về R&D ở các nước đang phát triển, khác biệt về bản chất với R&D ở các quốc gia phát triển, đó là chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thị trường/quốc gia hoặc mới đối với ngành, thay vì việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thế giới. Mặt khác, hoạt động R&D trong doanh nghiệp không chỉ ít hơn nhiều so với khu vực chính phủ và các khu vực đào tạo đại học công mà còn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có trình độ cao. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động R&D chỉ diễn ra một cách riêng lẻ dưới dạng các nhiệm vụ đột xuất để giải quyết các vấn đề phát sinh trong sản xuất, không mang tính hệ thống.

Điều này có nhiều điểm trùng hợp với Việt Nam. Qua quá trình xử lý dữ liệu để hình thành bức tranh chung về đổi mới công nghệ tại Việt Nam, ông Xavier Cicera nhấn mạnh đến góc nhìn về R&D phù hợp với trình độ phát triển, “cần loại bỏ thành kiến đối với việc phổ biến các công nghệ hiện tại. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn chú ý quá nhiều đến việc tập trung R&D để đưa ra các phát kiến mới, trong khi phổ biến các đổi mới sáng tạo cũng rất quan trọng”.

Những nghịch lý trong đầu tư cho R&D

Nếu nhìn một cách tổng thể thì bức tranh R&D cho công nghệ ở Việt Nam không thật sự đồng đều. Xét về mức đầu tư R&D theo ngành và lĩnh vực thì các ngành kỹ thuật và công nghệ dẫn đầu với 73%, nông nghiệp và chăn nuôi 7%, y tế và chăm sóc sức khỏe 2%... Có thể thấy, nông nghiệp và chăn nuôi là lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực lớn nhất và được coi là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế đất nước nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại ít đầu tư cho đổi mới công nghệ hơn so với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ bán lẻ... Sự tồn tại của nghịch lý này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp để đảm bảo mức sống của người nông dân, tránh tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, phân bón… vẫn là mảnh đất màu mỡ nhưng chưa được khai thác nhiều.

Nghịch lý thứ hai trong bức tranh này là nguồn nhân lực R&D. Chủ yếu lực lượng R&D đều thuộc các cơ quan tổ chức của nhà nước còn ở doanh nghiệp thì rất khiêm tốn. Báo cáo nhận xét “Trong 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển mạng lưới các viện nghiên cứu công lập, chiếm một phần lớn cả về ngân sách R&D công lập và nhân lực R&D. Năm 2020, có 652 tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam”. Tuy nhiên, sản phẩm của đội ngũ R&D ở các trường, viện lại chủ yếu là các bài báo được xuất bản trên tạp chí quốc tế: “Dữ liệu về các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy Việt Nam có trình độ chuyên môn cao hơn mức trung bình của thế giới về toán học, thống kê, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, và sinh học. Các lĩnh vực khác như khoa học môi trường, y học lâm sàng, môi trường xây dựng và thiết kế cũng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam”.

Không giống như những quốc gia khác, các tổ chức nghiên cứu nhà nước ở Việt Nam lại ít liên kết/hợp tác với các doanh nghiệp và các trường đại học tư. Do đó, những kiến thức mới ít được ứng dụng vào thực tế. Điều này từng được nêu ra tại hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 2075). “Khi phân tích số liệu chi tiết, chúng tôi thấy một vấn đề rất lớn, đó là mức độ đóng góp của các viện, trường trong việc cung ứng các sản phẩm công nghệ cho thị trường Việt Nam vẫn còn ở mức tương đối thấp. Do đó, công nghệ sẵn sàng cung cấp cho thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn là những công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phó Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) từng nhận xét.

 Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện năm 2018 thì “chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện, trường khi cần đổi mới công nghệ, còn 86% chạy đến chỗ khác” như chia sẻ của TS. Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình 2075.

Nguyên nhân chủ yếu là tính sẵn sàng chuyển giao công nghệ của trường viện còn thấp. Nó cũng bắt nguồn từ một thực trạng khác là “công nghệ” trong các trường, viện chủ yếu vẫn dừng lại ở khâu sản xuất thử nghiệm chứ chưa thực sự hoàn thiện để chuyển giao trên thị trường. Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) thì phần lớn các công nghệ được đăng ký bảo hộ đều của các nhà sáng chế, doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), các đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả Việt Nam phần nhiều là giải pháp hữu ích hơn là sáng chế.

Cách nào để thay đổi?

Những nhận định dựa trên dữ liệu khảo sát và thống kê của báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam” cho thấy, cần những thay đổi về chính sách để có thể giải quyết được những nghịch lý này. Nhóm thực hiện báo cáo cũng đã khuyến nghị rất nhiều giải pháp về chính sách như tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả kỹ thuật trong doanh nghiệp; thúc đẩy R&D và các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường phát triển các công cụ chính sách và hiệu lực của cơ chế thực thi để tạo ra động lực tổng thể cho phát triển công nghệ…

Những giải pháp đề xuất của nhóm chuyên gia đều hứa hẹn nhiều hiệu quả, nếu được thực thi đúng. Trong số này, có lẽ có giải pháp nằm trong tầm tay của nhà nước, đó là tận dụng nguồn nhân lực hiện có trong các trường, viện và đầu tư “dấn thêm một bước” cho các công nghệ đang sắp thành hình. Ở góc độ nguồn nhân lực R&D, khi doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư cho con người thì việc mở rộng hợp tác với các trường, viện thông qua những dự án chung, phục vụ nhu cầu doanh nghiệp như đón nhận chuyển giao công nghệ mới từ nước ngoài, giải mã sáng chế… sẽ là cơ hội để doanh nghiệp có được đội ngũ R&D, qua đó nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Trước đây, tại hội thảo trực tuyến Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2018 do Bộ KH&CN và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức, ông Sacha Wunsch-Vincent – Chuyên viên cao cấp của WIPO, đã nhắc đến vấn đề này. Việt Nam có sẵn nguồn nhân lực R&D trong các trường, viện nhưng nguồn nhân lực đó lại hoạt động “như ở trong ốc đảo”. Vì vậy để phát huy năng lực này, cần xây dựng và vận hành tốt hệ thống đổi mới sáng tạo và hình thành mối liên kết chặt chẽ trường, viện với doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề đặc thù của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa. Theo nhìn nhận của ông, việc cùng nhau giải quyết những vấn đề chung như vậy sẽ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cả hệ thống, qua đó nâng cao năng lực đổi mới trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hoàn thiện những công nghệ hứa hẹn hữu ích đang còn nằm trong khuôn viên trường, viện cũng là cách đem lại độ sẵn sàng của công nghệ cho doanh nghiệp sử dụng. “Một yếu tố bổ sung rất quan trọng là làm sao cho có thể mang những phát kiến mới ra đến thị trường. Đây là nơi còn nhiều dư địa để chúng ta có thể cải thiện tình hình”, ông Xavier Cicera lưu ý.

Khi nhìn lại những khuyến nghị lớn và những khuyến nghị mà nhóm thực hiện báo cáo đề nghị Việt Nam cân nhắc, ông Xavier Cicera nêu câu hỏi “Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được các ý tưởng này?”. Ông cho rằng “Chúng ta sẽ cần suy nghĩ về đổi mới sáng tạo như một quá trình vận động và liên tục phát triển. Trong quá trình này, chúng ta đều thấy sự tồn tại của một số năng lực mà các quốc gia ở các mức độ phát triển khác nhau đều phải có nhưng cũng có những năng lực nổi trội ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc như năng lực phát minh... còn một số quốc gia thu nhập thấp chủ yếu tập trung vào năng lực sản xuất, khuyến khích cải thiện quản lý,... Tôi cho rằng cũng như họ, Việt Nam cũng có các công cụ chính sách phù hợp để có thể kết hợp các chính sách phù hợp với năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân và những gì chúng ta có”.

Dữ liệu cho thấy các thế hệ công nghệ khác nhau cùng tồn tại ở Việt Nam. Dù có một nhóm doanh nghiệp đang tích cực hấp thụ và ứng dụng các công nghệ tiên tiến thì phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động ở trình độ công nghệ thấp.

Nguồn: http://www.sokhcn.cantho.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 2281
  • Trong tuần: 18 883
  • Tất cả: 4387456