Mô hình trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất Phi lao chết tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 2729
Đề tài  “ Tuyển chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất Phi lao chết tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”  do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đầu tư, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ chủ trì thực hiện và TS. Hoàng Văn Thơi làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài triển khai trong 60 tháng, từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 8 năm 2024 tại địa bàn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nhằm đánh giá khả năng thích nghi của một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất phi lao chết và xác định được 2 loài cây trồng phòng hộ thích ứng với điều kiện lập địa khu vực rừng Phi lao chết.

Khu vực trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp tại xã Đông Hải

Sau 28 tháng triển khai đến ngày 29/12/2021, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và TS. Hoàng Văn Thơi đã thực hiện cơ bản hoàn thành 2/4 nội dung nghiên cứu: Nội dung 1. Khảo sát điều kiện gây trồng, thành phần và phân bố của một số loài cây thân gỗ tự nhiên và cây trồng lâm nghiệp trên vùng đất cát ven biển; Nội dung 2. Bố trí thí nghiệm ngoài hiện trường (điều kiện trồng, tiêu độc khử trùng đất, tiêu thoát nước và chăm sóc rừng).

Trên cơ sở thực hiện Nội dung 2, đề tài đã xây dựng 04 mô hình trồng thử nghiệm với tổng diện tích 05 ha thông qua việc thực hiện các thí nghiệm như:

- Thí nghiệm về điều kiện trồng: tiến hành với diện tích 1.25 ha tại các điểm có cây Phi lao chết >75%, cây chết 50-75%, cây chết < 50%;

- Thí nghiệm về tiêu độc (cục bộ, theo luống, toàn diện): tiến hành với diện tích 1.25 ha tại các điểm có cây Phi lao chết >75%;

- Thí nghiệm kiểm soát ngập nước (đào kênh thoát nước, tạo luống và đắp mố): tiến hành với diện tích 1.25 ha tại các điểm có cây Phi lao chết 50-75%;

- Thí nghiệm về chăm sóc sau khi trồng (vun xới gốc, bón phân, phun thuốc diệt nấm) với diện tích 1.25 ha tại điểm cây chết <50%;

Các loài cây được chọn trồng thử nghiệm và chăm sóc gồm Muồng đen (Cassia siamea), Muồng kim vàng (Peltophorum sterocarpum), Tra bồ đề (Thespesia populnea), Trôm (Sterculia foetida), Keo lá tràm (Acacia auriculiformis), Me chua (Tamarindus indicus), Mù u (Calophyllum inophyllum).

  Tại thời điểm kiểm tra thực tế đề tài đã hoàn thành các nội dung về chăm sóc rừng lần 2, Hoàn thành phát dọn cỏ, với diện tích 5,0 ha, Bón phân và thuốc nấm cho 600 cây (nghiện thức 1 và 2) ở thí nghiệm 4 (chăm sóc), Thu thập số liệu sinh trưởng và tỷ lệ sống các mô hình thí nghiệm, bảo vệ được 5,0 ha mô hình không để người và gia súc phá hoại. Tỷ lệ sống của các mô hình thí nghiệm khá cao >80%. Trong đó 3 loài có tỉ lệ sống cao nhất là Muồng đen, Muồng kim vàng và Trôm >85%.

Các thí nghiệm đạt kết quả lần lượt là: Thí nghiệm điều kiện gây trồng, đạt 81,65%, thí nghiệm tiêu độc: 83,6%, thí nghiệm chăm sóc đạt 82,6%, thí nghiệm kiểm soát ngập đạt 80,7%.

 Sinh trưởng của các mô hình là khá tốt và khá đồng đều: Muồng đen sinh trưởng tốt nhất về chiều cao và đường kính (H = 2-5,0 m), Muồng kim vàng sinh trưởng khá, chiều cao (H = 1,5-3,0 m), Trôm ở mức (H= 1,0-1,6m), sinh trưởng khá tốt, Keo lá tràm (H=1,0-1,5 m), sinh trưởng ở mức trung bình, Me (H = 1,0-1,2m) sinh trưởng trung bình. Hiện tại, đề tài tiếp tục triển khai để đánh giá khả năng thích ứng thông qua tỷ lệ sống và quá trình sinh trưởng của các loài cây trồng để xác định được 2 loài cây trồng phòng hộ thích ứng với điều kiện lập địa khu vực rừng Phi lao chết.

Minh Hường


Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 357
  • Trong tuần: 18 397
  • Tất cả: 4387983