Nghiệm thu đề tài “Khảo sát tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh năm 2019-2020”
Lượt xem: 2192
I.    Đặt vấn đề Trà Vinh là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm qua, ngành y tế vùng ĐBSCL đã nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của nhà nước về cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ. Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế đã xây dựng đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 cho khu vực ĐBSCL. Đề án đã đề ra mục tiêu nâng cao năng lực về khám chữa bệnh cho các bệnh viện. Nhờ bệnh viện vệ tinh, người dân tỉnh Trà Vinh đã được hưởng lợi từ các kỹ thuật mới. Trong những năm qua, Trà Vinh cũng đã có những tiến bộ vượt bậc trong quá trình tiến tới chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân, đảm bảo quyền cơ bản của con người. Vấn đề chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở Trà Vinh cũng được ghi nhận với những tiến bộ đáng kể, thể hiện qua tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT). Mặc khác, thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020, tỉnh Trà Vinh đã đạt được mức bao phủ BHYT 95,54% năm 2017. Tuy nhiên, có hai nhóm do ngân sách nhà nước đóng và nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm, do vậy họ trở thành đối tượng phải chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc y tế nhiều hơn.

Ảnh: Quang cảnh Họp nghiệm thu đề tài thông qua trực tuyến

 

Trong khi đó xét về nhiều phương diện thu nhập Trà Vinh vẫn còn nghèo,
đời sống của nhiều người dân còn khó khăn nên việc tiếp cận với các dịch vụ CSSK còn hạn chế. Bên cạnh đó, bị ảnh hưởng áp lực chi phí hệ thống hỗ trợ người cao tuổi, đô thị hóa liên quan đến y tế, đặc biệt là người nghèo ở khu vực nông thôn. Do đó, xác định tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020 cho phép đánh giá toàn cảnh tỷ lệ chi “thảm họa” của hộ gia đình cho y tế. Xác định được gánh nặng chi y tế của hộ gia đình góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các nhà hoạch định chính sách về mối liên kết giữa sức khỏe, nghèo đói và tăng trưởng kinh tế và đề tài “Khảo sát tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh năm 2019-2020” do Viện Xã hội học Ứng dụng chủ trì và tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương làm chủ nhiệm đã được tổ chức triển khai thực hiện với kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách y tế nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng y tế.

II. Nội dung thực hiện

-Tổng quan về vấn đề chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh;

- Xác định tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh;

- Xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh;

- Giải pháp hiệu quả nhằm giảm gánh nặng chi y tế, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.

III. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu chung là phân tích, tổng hợp, lịch sử - cụ thể, logic, hệ thống - cấu trúc, quy nạp, diễn dịch, thống kê, so sánh,... với các phương pháp cụ thể như: kết hợp phương pháp thu thập thông tin định tính và định lượng, khảo sát định lượng bằng công cụ bảng hỏi (phiếu thu thập thông tin); thảo luận nhóm tập trung, quan sát và phương pháp chọn mẫu, quá trình chọn mẫu được tiến hành theo phương pháp ngẫu nhiên, với cách chọn mẫu là phương pháp chọn mẫu có chủ đích được áp dụng phân tầng theo nông thôn và thành thị. Tỷ lệ xác định theo số hộ gia đình ở từng khu vực; chọn mẫu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản trong từng tầng và chọn hộ gia đình nghiên cứu

Đồng thời dùng phương pháp chọn mẫu định tính, phỏng vấn sâu nhóm chủ hộ để giải thích động cơ của việc chi tiền túi và nhóm y bác sĩ để biết tình hình chi cho việc khám sức khỏe. Qua đó, sử dụng bộ công cụ thu thập số liệu, xử lý và phân tích số liệu để xem xét mối tương quan giữa các yếu tố.

IV. Kết quả nghiên cứu:

1. Tổng quan về thực trạng chi trả trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh

- Kết quả khảo sát với 1.106 hộ gia đình tại tỉnh Trà Vinh cho thấy, tỷ lệ nguồn chi cho chăm sóc y tế tại các cơ sở y tế của hộ gia đình nhiều nhất là từ BHYT, với 68,5% lượt người được khảo sát lựa chọn. Trung bình, mỗi gia đình được khảo sát tại tỉnh Trà Vinh chi trả 3.459.678 đồng cho chăm sóc y tế trong năm.

Biểu đồ các nguồn chi trả cho việc KCB tại cơ sở y tế
của hộ gia đình được khảo sát

Ảnh: Biểu đồ các nguồn chi trả cho việc KCB tại cơ sở y tế của hộ gia đình được khảo sát

- Khoản chi cho BHYT và khoản chi trả cho mua thuốc, vật tư tại các cửa hàng được nhiều hộ gia đình chi ra nhất.

- Tỷ lệ hộ gia đình được khảo sát chi trả bằng tiền túi dưới 5 triệu đồng cho chăm sóc y tế hàng năm chiếm đa số trong tổng hộ gia đình, với 80,3%. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình không chi trả tiền cho chăm sóc y tế hàng năm là 4,8%. Mức tiền chi trả nhiều nhất của các hộ gia đình cho chăm sóc y tế dao động từ 30- 44 triệu đồng, chiếm 1,2% hộ gia đình được khảo sát.

- Khi xem xét mức chi phí tiền túi cho chăm sóc y tế trong mối tương quan với mức sống, các hộ gia đình được khảo sát chủ yếu cho rằng chi phí cho chăm sóc y tế của gia đình mình dao động từ dưới 5% đến 6 - 10%, với tỷ lệ lần lượt là 48,2% và 40,3%.

- Các khoản viện phí trực tiếp chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong chi phí tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình: Mặc dù tỷ lệ hộ gia đình có chi tiền túi cho viện phí là chưa cao, chỉ là 214/1.106 hộ gia đình (tỷ lệ 19,3% trên tổng số hộ), nhưng tổng số tiền chi cho viện phí lại chiếm đến ½ trong tổng số tiền chi cho chăm sóc y tế. Số tiền chi cho mua thuốc, vật tư tại các cửa hàng chiếm đến 21,5% trong tổng số các khoản chi phí tiền túi cho chăm sóc y tế của các hộ gia đình. Việc chi trả cho việc phòng bệnh chiếm tỷ lệ thấp nhất trong tổng chi phí y tế. Hộ gia đình chi phí nhiều với khoản tiền thuốc cho cán bộ y tế hoặc thầy thuốc đến khám tại nhà các khoản chi vận chuyển người bệnh chiếm ít nhất trong tổng chi phí tiền túi cho khám chữa bệnh của hộ gia đình tỉnh Trà Vinh.

2. Tỷ lệ chi trực tiếp cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh năm 2019-2020

- Tỉnh đã có được những nỗ lực nhất định trong việc cải thiện mạng lưới y tế tại các tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh (700 giường) và Bệnh viện Đa khoa huyện Duyên Hải (50 giường); xây mới, mở rộng và bổ sung các bệnh viện truyền thống 50 máy công cụ (150 giường); cải tạo, sửa chữa 03 bệnh viện tuyến tỉnh (bệnh viện Lao - phổi, bệnh viện sản phụ khoa, bệnh viện Đa khoa huyện Tiểu Cần), 03 trung tâm y tế khu vực và đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ y tế và đầu tư phát triển hệ thống thông tin y tế. Song       mức thu nhập trung bình của hộ gia đình tỉnh Trà Vinh là tương đối thấp, với chỉ khoảng gần 5 triệu đồng/tháng/ hộ gia đình và toàn bộ thành phố Trà Vinh có 1.046 người nghèo trong độ tuổi lao động, trong đó có 889 người đang hoạt động kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, sự chênh lệch về tỷ lệ hộ nghèo giữa các phường, xã thể hiện rõ sự chênh lệch giàu nghèo về mức sống giữa thành thị và nông thôn. Do vậy tỷ lệ chi tiêu tiền túi cho chăm sóc y tế trên tổng thu nhập của các hộ gia đình ở Trà Vinh theo WHO là ở mức độ hợp lý.

- Mức độ công bằng trong khám chữa bệnh của người dân tỉnh Trà Vinh cũng được đánh giá dưới nhiều khía cạnh bao gồm:

+ Chiều cạnh quản lý được xem xét dựa trên tính hiệu quả các chính sách phân bổ nguồn lực, phân bổ tài chính theo phạm vi lãnh thổ, nhóm dân cư; chính sách nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; chính sách bao phủ BHYT và tình trạng sức khỏe nói chung của người dân.

+ Về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh: Tỷ lệ bao phủ BHYT liên tục có xu hướng tăng trên mặt bằng chung của cả nước, từ 72,72% lên 95,54%. Tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ chi trả tiền túi cho viện phí của các hộ gia đình chiếm hơn ½ trong tổng các DVYT được chi trả bằng tiền túi của người dân. Số liệu từ niên giám thống kê y tế năm 2018 cho thấy, tỷ lệ nam - nữ trong cơ cấu dân số tại tỉnh Trà Vinh là 48,7% - 51,3%. Tuy nhiên, vì đặc thù nghiên cứu chọn đối tượng khảo sát là chủ hộ gia đình trên thực tế, nên cơ cấu mẫu khảo sát có tỷ lệ nam giới chiếm cao hơn.

+ Chiều cạnh đánh giá của người dân: Mức chi cho y tế của các hộ gia đình cho y tế chủ yếu nằm ở mức dưới 5% thu nhập của hộ, với 48,2% lượt lựa chọn. Mặc dù phần đông hộ gia đình cho rằng mình chỉ chi trả tiền túi cho chăm sóc y tế dưới 5% trong tổng thu nhập của hộ, nhưng các đánh giá chung của 1.106 hộ gia đình được khảo sát cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình đánh giá mình gặp khó khăn do chi phí cao trong khám chữa bệnh là 48,2%. Bên cạnh đó, đánh giá của người dân về khoảng cách từ nơi sinh sống đến nơi chữa bệnh, về chất lượng khám chữa bệnh cơ bản, về cơ sở và trang thiết bị khám chữa bệnh, về thời gian để được khám chữa bệnh của người dân,... cũng được xem xét đánh giá và kết quả cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống y tế tại tỉnh Trà Vinh vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh. Điều này được thể hiện trong việc đầu tư cơ sở vật chất khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế tại các vùng. Kết quả đánh giá từ phía người dân nông thôn cũng cho thấy được sự chênh lệch này. Bên cạnh đó, mật độ người dân có BHYT cao, tuy nhiên, người dân vẫn chi trả cho viện phí ở mức cao nhất trong tổng các khoản chi tiền túi cho chăm sóc y tế. Điều này phần nào phản ánh được thực trạng quản lý.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh năm 2019-2020

- Các yếu tố từ chính sách: Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2019, tỉnh Trà Vinh liên tục là địa phương có nhiều thành tựu tích cực trong việc mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT (tăng từ 72,72% lên 95,54%) và các chính sách trong phân bổ nguồn lực y tế đến các địa phương cũng như các nhóm dân số khác nhau làm tăng khả năng tiếp cận với DVYT của người dân.

- Các đặc điểm nhân khẩu và chi tiêu trực tiếp từ tiền túi cho y tế của hộ gia đình tỉnh Trà Vinh, bao gồm đặc điểm giới tính cho thấy tỷ lệ nữ giới không chi trả cho cho chăm sóc y tế cao hơn gấp nhiều lần so với nam giới, phân bổ nguồn tài chính y tế từ tiền túi của hộ gia đình theo lãnh thổ, có thể cho thấy tất cả các hộ gia đình được khảo sát cho rằng mình không chi bất kì một khoản phí nào từ tiền túi cho chăm sóc y tế đều thuộc khu vực nông thôn. Bên cạnh đó nhóm hộ gia đình có từ 4-6 thành viên có xu hướng chi trả tiền cho chăm sóc y tế ở mức cao hơn so với các nhóm hộ gia đình có từ 2-3 thành viên và nhóm hộ gia đình từ 7-9 thành viên. Chênh lệch trong chi trả tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình thuộc 02 nhóm dân tộc là không quá lớn. Tuy nhiên, nhóm người được trả lời thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn có mức chi trả tiền túi cho chăm sóc y tế thấp hơn so với các hộ gia đình dân tộc Kinh.

V. Kết luận và kiến nghị:

1.Kết luận:

Tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh vẫn ở mức cao (40,5%) và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình như: giới tính của chủ hộ, độ tuổi, trình độ học vấn, dân tộc, khu vực sinh sống, mức thu nhập của hộ gia đình... Trong đó, tác động mạnh nhất đến mức chi tiêu y tế của hộ gia đình là mức thu nhập bình quân của chính hộ gia đình.

Mặt khác, tuy tỷ lệ bao phủ BHYT cao, nhưng phần lớn người dân tỉnh Trà Vinh chưa sử dụng tối đa những lợi ích từ BHYT khi KCB. Các khâu nghiệp vụ thực hiện khai thác phát triển đối tượng đã được đánh giá cụ thể, đồng thời so sánh với kết quả khảo sát, điều tra cho thấy việc người dân chưa sử dụng hết lợi ích của BHYT do còn nhiều mặt hạn chế. Do đó, về mặt này ngành y tế tỉnh Trà Vinh cần xem xét đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ KCB bằng BHYT nhanh chóng và thuận tiện; nâng cao chất lượng KCB,...; đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách pháp luật của BHYT đến người dân.Ở một khía cạnh khác, với những nội dung được tổng kết của đề tài, đặc biệt là việc xác định được tỷ lệ chi tiêu trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình và các yếu tố ảnh hưởng sẽ là những tài liệu hữu ích để xây dựng hệ thống giải pháp góp phần can thiệp giảm thiểu tình trạng bất công bằng, bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CSSK, giảm mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi cho người dân tỉnh Trà Vinh.

Kết quả nghiên cứu cung cấp một góc nhìn về thực trạng chăm sóc y tế và chi trả tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Qua đó, kết quả nghiên cứu có thể làm cơ sở xác định nguyên nhân làm gia tăng và có biện pháp điều chỉnh hữu hiệu làm giảm chi tiêu này. Tuy nhiên, đây là một chi tiêu bắt buộc không thể không chi, do đó tốt nhất là tìm biện pháp hạn chế là gia tăng ý thức bảo vệ sức khỏe của từng cá nhân và cả cộng đồng.

2. Kiến nghị

- Có những chính sách cụ thể hỗ trợ người dân tăng thu nhập, miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ vay vốn.... duy trì các chương trình mục tiêu quốc gia để giảm sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, hỗ trợ những hộ nghèo,… Tiếp đến cần thực hiện công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc quan tâm đến chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

- Cần có biện pháp để nâng cao học vấn cho thế hệ trẻ, đồng thời mở các lớp tập huấn về an toàn CSSK cho người dân, vận động người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số về chương trình kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng đời sống.

- Hạn chế việc tự điều trị và sử dụng thuốc mà không có đơn thuốc bằng cách truyền bá tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc an toàn đến người dân.

- Tập trung phát triển năng lực của cơ sở y tế tuyến cơ sở, với các giải pháp cụ thể như: phát triển đội ngũ cán bộ y tế và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật y tế; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KCB cho nhân dân bằng cách tổ chức các dịch vụ KCB thân thiện; hỗ trợ kinh tế để cải thiện và nâng cao mức sống của người dân bằng hình thức tạo việc làm, vay vốn... để giảm thiểu được gánh nặng chi tiêu cho y tế của người dân tỉnh Trà Vinh và giảm tải được tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

VI. Kết quả nghiệm thu

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu thông qua ngày 28/7/2021 với kết quả xếp loại: Đạt.

Minh Hường – phòng QLKH 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 1642
  • Trong tuần: 19 682
  • Tất cả: 4389268