Nhiều đề tài khoa học công nghệ đã gắn kết với nông dân
Lượt xem: 2576
Giai đoạn 2015 - 2020, qua thực hiện chuyển đối cơ cấu sản xuất và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) đã làm chuyển biến tích cực trong sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vật nuôi... Để tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò KH-CN trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của nông dân trong thời gian tới, phóng viên Báo Trà Vinh có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh xoay quanh về nội dung trên.

Ảnh: PGS.TS Lâm Thái Hùng.

Phóng viên: Ông có thể đánh giá về một số kết quả đạt được trong lĩnh vực ứng dụng, nghiên cứu KH-CN thời gian qua đối với lĩnh vực nông nghiệp?

PGS.TS Lâm Thái Hùng: Thời gian qua, ngành KH-CN đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong hoạt động triển khai các nhiệm vụ KH-CN. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2015 đến nay đã có 32 đề tài/dự án được triển khai, chiếm 45% số lượng nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật chọn tạo giống phục vụ người dân và xây dựng mô hình sản xuất.

Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt có các đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống canh tác lúa - tôm và phát triển mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên vùng cù lao huyện Châu Thành” đã xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích chứng nhận hữu cơ quốc tế (EU, USDA và JAS) vào năm 2017 - 2018 khoảng 130 ha, đến năm 2020 mô hình được duy trì với diện tích khoảng 160 ha. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong nhân giống và canh tác một số loại hoa (hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa chuông và dạ yến thảo) tại thành phố Trà Vinh” có thể sản xuất 15.000 - 20.000 cây giống cấy mô/năm để cung cấp cho người trồng hoa. Dự án nông thôn miền núi “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống và trồng cam sành không hạt chất lượng cao tại tỉnh” đã cung cấp và chuyển giao quy trình nhân giống để thực hiện sản xuất, nhiều hộ dân tham gia với diện tích 20 ha. Đề tài “Tuyển chọn và phát triển giống/dòng quýt đường ưu tú cho tỉnh” đã xác định được 03 cá thể quýt đường ưu tú được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận cây quýt đường đầu dòng. Đề tài “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại huyện Trà Cú”.

Về chăn nuôi, có các đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại huyện Trà Cú” đã tạo được sản phẩm mô hình lai tạo với 150 con bê lai F1 giữa bò lai sind và các giống Red Angus, Red Brahman, Droughtmaster. Dự án nông thôn miền núi “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh” đến nay đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình nuôi dê lai tại huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, với 200 dê cái Bách Thảo và 20 dê đực Boer…

Về thủy sản, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaneus vanamei) tại tỉnh” đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng nhân tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đã chuyển giao cho trại tôm giống Thới Bến - thị xã Duyên Hải sản xuất giống cung cấp cho người nuôi với số lượng 200 - 300 triệu post/năm. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất và ương nghêu (Meretrix lyrata) nhân tạo trên ao đất lót bạt ở vùng ven biển tỉnh Trà Vinh”; đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi vỗ thành thục và hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống tôm đất (Metapenaeus ensis De Haan 1844) từ nguồn bố mẹ tự nhiên trong các ao/đầm/ruộng tại tỉnh”; đề tài “Xác định nguyên nhân tôm vễnh mang và biện pháp phòng trị” …

Từ những kết quả trên, cho thấy các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung vào các đối tượng nông nghiệp quan trọng của tỉnh (lúa, mía, cam, quýt, bò, dê, tôm, nghêu,…) để phục vụ nhu cầu cây, con giống cho người dân, đồng thời nghiên cứu ứng dụng các quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng đơn vị diện tích, hướng đến nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn sinh học, nông nghiệp hữu cơ.

Phóng viên: Thời gian tới trong ứng dụng khoa học công nghệ về các đề tài nghiên cứu được ngành tập trung định hướng thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lâm Thái Hùng: Cùng góp phần thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm và tập trung vào những định hướng chính:

Ứng dụng nghệ sinh học để chọn lọc và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản theo hướng chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); sản xuất các chế phẩm sinh học, bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ (cây trồng: nghiên cứu chọn tạo, phục tráng và phát triển các giống có năng suất tốt, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, hạn mặn đối với cây trồng chủ lực và một số loại cây trồng tiềm năng khác của địa phương theo định hướng xuất khẩu kết hợp với xây dựng thương hiệu. Vật nuôi: nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi theo hướng chất lượng, có giá trị cao, thích ứng với BĐKH và an toàn sinh học; phát triển công thức chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ phát triển chăn nuôi; sản xuất sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường chăn nuôi. Thủy sản: nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng, chế biển thủy hải sản gắn với liên kết ổn định đầu ra trên địa bàn tỉnh).

Nghiên cứu nhằm thúc đẩy các ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dược, công nghệ thực phẩm, phân bón, hóa mỹ phẩm, chế biến, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… Triển khai các kết quả mới về công nghệ sinh học cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm chủ được công nghệ; hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu xây dựng hệ thống các trang trại thông minh và công nghệ 4.0 vào sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng; truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản chủ lực, các sản phẩm OCOP.

Phóng viên: Với vai trò phụ trách lĩnh vực khoa học công nghệ, ông có chia sẻ gì trong quá trình nâng cao nhận thức, kiến thức của nông dân khi ứng dụng mô hình của ngành triển khai?

PGS.TS Lâm Thái Hùng: Để giúp nông dân có thể ứng dụng, phát triển giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác mới, công nghệ mới vào sản xuất, tôi chia sẻ một số thông tin liên quan: các ngành và địa phương tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất hoặc chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng phối hợp với người sản xuất và các doanh nghiệp để nắm bắt các nhu cầu về khoa học công nghệ.

Xây dựng mô hình ứng dụng tại các hộ dân, phải hướng đến sản phẩm mô hình đạt chuẩn chất lượng và thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hội thảo, tập huấn để chia sẻ thông tin và chuyển giao những tiến bộ khoa học- kỹ thuật cho người sản xuất.

Phóng viên: Xin cám ơn ông.

HỮU HUỆ (thực hiện)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 1014
  • Trong tuần: 19 054
  • Tất cả: 4388640