Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng rừng Đước (Rhizophora apiculata) chết tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 2602
Trong khuôn khổ buổi khảo sát “Phối hợp kiểm tra, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý rừng chết”, ngày 01/4/2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp cùng với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chính quyền địa phương tổ chức buổi khảo sát để thu thập thông tin đánh giá tình trạng rừng Đước bị chết tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Buổi khảo sát, đánh giá do Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh điều hành với trên 10 đại biểu tham dự. Sau khi khảo sát thực địa, các đại biểu trong đoàn đã có ý kiến đánh giá tình hình rừng Đước chết đang diễn ra. Riêng đối với người viết bài này - là thành viên của đoàn - có một số ghi nhận bước đầu về nguyên nhân rừng Đước bị chết. Như sau:

Ảnh: Quang cảnh lô rừng Đước chết (01/4/2021)

Khu vực rừng Đước chết thuộc rừng trồng năm 1978 - 1980 với tổng diện tích rừng bị chết 1,412 ha tại ấp Đình Củ, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh trên diện tích đất của 15 hộ dân. Các hộ này đều nhận khoán bảo vệ rừng kết hợp nuôi thủy sản (tôm sú, cua biển, tôm cá tự nhiên,...). Việc nuôi dưỡng rừng Đước kết hợp với canh tác thủy sản đã tạo nên phương thức sản xuất Lâm - Ngư vừa giữ được vốn rừng vừa đem lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, người dân chỉ chú trọng đến sản xuất thuỷ sản mà ít quan tâm đến tình hình sinh trưởng phát triển của rừng Đước. Tuỳ theo quá trình tăng trưởng của thuỷ sản nuôi mà họ quyết định thời điểm và dung lượng nước triều lấy vào theo chế độ thay nước ưu tiên cho thủy sản. Vì thế làm cho lập địa đất khu vực trồng không được cung cấp đủ phù sa do thủy triều vào ra không thường xuyên nên cây Đước bị thiếu dinh dưỡng. Bên cạnh đó việc đắp bờ ao xung quanh, thậm chí lấp cả gốc Đước càng làm trầm trọng thêm việc cung cấp dinh dưỡng từ nước triều, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của hệ thống rễ thở cũng như phóng thích phèn tiềm tàng thành phèn hoạt động làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây Đước. Mặt khác cây Đước trồng đã trên 40 tuổi, đến giai đoạn thành thục tự nhiên. Cây có sức sống suy giảm, thiếu dinh dưỡng, mất sức đề kháng, môi trường sống không thuận lợi và một phần bị sâu, mối đục thân. Tất cả các nguyên nhân nội tại và ngoại cảnh nói trên âm thầm tác động qua nhiều năm làm cho rừng Đước bị chết.

Để khắc phục tình trạng trên, người viết có một số đề xuất trước mắt như sau:

- Điều tiết nước trong khu vực rừng Đước: Đây là giải pháp tối cần thiết cần thực hiện để phục hồi hệ sinh thái rừng Đước trong khu vực. Việc làm này triển khai sớm sẽ đảm bảo thủy triều vào ra thường xuyên và qua đó giúp cung cấp đủ nước, phù sa, tiêu thoát phèn,... giúp cây Đước nói riêng và rừng ngập mặn nói chung sinh trưởng thuận lợi. Đồng thời khắc phục tình trạng suy thoái môi trường nước do ô nhiễm hữu cơ từ các xác bã thực vật không được làm sạch khi phân huỷ trong khu vực.

- Thu hút cộng đồng cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng: Tiến hành bố trí lại vùng sản xuất Lâm - Ngư theo hướng tập trung đối tượng con nuôi thủy sản. Từ đó đề xuất quy chế thực hiện phương thức sản xuất Lâm - Ngư bền vững phù hợp với từng loài thủy sản, loại hình rừng ngập mặn trên từng địa bàn cụ thể với sự tham gia của cộng đồng trong khu vực. Thực hiện huấn luyện các kiến thức về đa dạng sinh học. Xây dựng quy chế cùng tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng và nguồn lợi thủy sản.

- Ngành Lâm nghiệp tỉnh Trà Vinh (Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ) cần phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà khoa học nghiên cứu thực hiện việc chuyển đổi các hệ thống canh tác Lâm - Ngư theo hướng rừng ngập mặn riêng, thủy sản riêng để vừa đảm bảo chức năng phòng hộ vừa nâng cao giá trị kinh tế trong sử dụng đất trên một số khu vực rừng ngập mặn của tỉnh như mục tiêu của Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 02/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Phê duyệt Phương án chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đề ra.

            Dương Bảo Việt


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 329
  • Trong tuần: 1 853
  • Tất cả: 4408349