Kết quả “Nghiên cứu chỉ số BMI trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020”
Lượt xem: 2581
BMI theo tên tiếng Anh Body Mass Index -nghĩa là Chỉ số khối cơ thể được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người. Chỉ số này do nhà bác học người Bỉ Adolphe Quetelet đưa ra năm 1832.  

 

Ảnh: Quang cảnh Hội đồng

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2014 trên toàn thế giới có hơn 1,9 tỷ người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân chiếm 39% (38% nam giới và 40% phụ nữ). Trong số này có hơn 600 triệu người béo phì chiếm 13% (11% ở nam và 15% ở nữ). Sự phổ biến trên toàn thế giới của bệnh béo phì tăng hơn gấp đôi từ năm 1980 đến năm 2014. Không chỉ ở các nước có thu nhập cao mà ngay cả các nước có thu nhập thấp và trung bình thì tỉ lệ thừa cân-béo phì cũng tăng nhất là các khu vực đô thị. Ngày 02/11/2018, Liên hiệp quốc đưa ra cảnh báo hơn một nửa số người bị suy dinh dưỡng của thế giới sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến nơi đây trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói cùng cực và suy dinh dưỡng, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Ở nước ta theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng (tháng 9/2005 đến tháng 9/2006) về tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì và hội chứng rối loạn chuyển hóa ở Việt Nam trên 17.213 đối tượng tuổi từ 25 đến 64 tại 64 tỉnh/thành phố đại diện cho 8 vùng sinh thái toàn quốc cho thấy: Tỷ lệ suy dinh dưỡng (BMI <18,5) là: 20,9% trong đó nữ chiếm 21,9%, nam 19,9% (năm 2007); 11,6% trong đó nữ 12,6%, nam 10,7% (năm 2016) trong 02 cuộc điều tra của Viện Dinh dưỡng và Cục Y tế dự phòng [2], [31]. Tỷ lệ thừa cân-béo phì (BMI >23) là 16,3%. Tỷ lệ thừa cân/ béo phì đang gia tăng theo tuổi, cao hơn ở nữ giới so với nam giới, cao hơn ở thành thị so với ở nông thôn (32,5% và 13,8%).

Những tác động xấu của thừa cân-béo phì làm gia tăng các bệnh mãn tính không lây như rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp, rối loạn đường huyết, ung thư… Gần 1/3 người lớn đái tháo đường có liên quan đến béo phì và các nguy cơ tăng huyết áp, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chưa có nghiên cứu về chỉ số BMI/tình hình suy dinh dưỡng, thừa cân-béo phì và các yếu tố liên quan ở người trưởng thành. Thực hiện Kế hoạch 73-KH/TU ngày 08/01/2018 của Tỉnh ủy Trà Vinh về thực hiện Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 20/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) [27] “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Kế hoạch của Tỉnh ủy được ban hành là định hướng quan trọng cho hoạt động của các ngành, các cấp trong tỉnh mà chủ yếu là ngành y tế để đến năm 2025 khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành xuống dưới 12%; trong giai đoạn tới theo hướng tiếp cận toàn diện, tập trung kiểm soát các yếu tố nguy cơ thừa cân-béo phì để dự phòng mắc bệnh, đồng thời phát hiện sớm để quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.

Từ kết quả nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu chỉ số BMI trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020” do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Trà Vinh, BS CKII. Nguyễn Văn Lơ làm chủ nhiệm đề tài nhằm mục tiêu là: Xác định chỉ số BMI trung bình của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020; Xác định tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì của người dân trong độ tuổi lao động trên đại bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020; Xác định một số các yếu tố liên quan đến chỉ số BMI trung bình của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020;

Đề tài thực hiện với các nội dung chính như: Điều tra thu thập dữ liệu liên quan đến chỉ số BMI trong độ tuổi lao động từ 15 - 60 của người dân cư trú tại tỉnh Trà Vinh; Xác định tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì của người dân trong độ tuổi lao động tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020; Xác định chỉ số BMI trung bình và các yếu tố liên quan đến chỉ số BMI trung bình của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020. Kết quả đã thực hiện đạt được một số nội dung như sau:

- Đã nghiên cứu chỉ số BMI trung bình của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh;

- Xác định tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng chiếm 8,5%; trong đó, suy dinh dưỡng độ 1 chiếm 5,8%, độ 2 chiếm 1,8%, độ 3 chiếm 0,9%. Thừa cân béo phì chiếm 50,8%; trong đó, thừa cân chiếm 20,9%; béo phì độ 1 chiếm 25,5%; béo phì độ 2 chiếm 4,3%. Suy dinh dưỡng ở nam cao hơn nữ, ngược lại, tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn ở nữ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm tuổi 15-24 chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi và giảm dần theo tuổi. Thừa cân béo phì tăng theo nhóm tuổi và cao nhất ở nhóm 55-60 tuổi;

- Một số yếu tố liên quan đến chỉ số BMI trung bình của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, kết quả ghi nhận 11 yếu tố liên quan đến BMI trung bình của người dân độ tuổi lao động gồm tuổi, giới, nghề, học vấn, kinh tế, tiền sử gia đình béo phì, tiền sử gia đình có người <35kg, tiền sử bệnh tăng huyết áp, tiền sử bệnh cơ xương khớp, bữa ăn cuối trong ngày, thời gian ăn bữa phụ vào buổi tối.

Kết quả nghiên cứu của đề tài qua đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân-béo phì của người trong độ tuổi lao động trong tỉnh Trà Vinh, từ đó xây dựng kế hoạch phối hợp các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động nhất là công tác truyền thông, sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn chất lượng….; vận động mọi người thường xuyên vận động thể lực, tập luyện thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh,  chế độ dinh dưỡng hợp lý… để phòng chống suy dinh dưỡng, béo phì, phòng chống bệnh tật, nâng cao tầm vóc, chất lượng cuộc sống của toàn thể người dân Việt Nam trong cộng đồng xã hội.

Kết quả nghiên cứu đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh vào ngày 05/3/2021 đánh giá đạt yêu cầu.

Chánh Tín


Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 458
  • Trong tuần: 18 498
  • Tất cả: 4388084