Kết quả hoạt động quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2010-2020
Lượt xem: 2767
Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh. Nhờ vào sự nỗ lực triển khai đa dạng nhiều hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư …đã tạo được tiếng vangđến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, hàng năm số lượng nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển không ngừng tăng lên, cụ thể năm 2015-2020, tỉnh thu hút được 80 dự án, tăng 94% so với năm 2010-2015; số doanh nghiệp thành lập mới 552 doanh nghiệp, tăng 34,4% (tăng 390 doanh nghiệp). Nhìn chung, các doanh nghiệp trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương và góp phần không nhỏ vào tổng thu ngân sách nhà nước. 

1. Công tác xây dựng, ban hành các văn bản về phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2010-2020:

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu ban hành 03 Nghị quyết:

- Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh;

- Nghị quyết số 80/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Nghị quyết số 82/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ chuyển gia, ứng dụng, đổi mới công nghệ thiết bị và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Trên cơ sở các chính sách trên, Sở Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến các sở ngành, ban hành 04 hướng dẫn như sau:

- Hướng dẫn số 170/HD-SKHCN ngày 13/3/2017 Hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ, tạo lập, đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Điều 13, Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Hướng dẫn số 365/HD-SKHCN ngày 17/5/2018 Hướng dẫn trình tự thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư lĩnh vực Khoa học và công nghệ theo Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016.

- Hướng dẫn số 975/HD-SKHCN ngày 14/10/2019 về việc hướng dẫn hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Công văn số 1048/SKHCN-QLCN ngày 29/10/2019 về việc chi trả kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 82/2019 /NQ-HĐND.

Nhìn chung, các chính sách hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể đó là Nhà đầu tư có hoạt động đổi mới công nghệ, thiết bị và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy phong trào quần chúng thi đua lao động sáng tạo kỹ thuật, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với các tổ chức, cá nhân. Thúc đẩy tốc độ đổi mới công nghệ, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh để nâng cao tỷ trọng đóng góp của hoạt động khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đặc biệt là đổi mới từng bước phương thức đầu tư trong nghiên cứu khoa học theo hướng đề cao tính chủ động cho tổ chức, cá nhân; mục tiêu gắng với nhu cầu và được “đo lường qua kết quả” là chính; chú trọng đầu tư cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học; rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn; nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KH&CN.

2. Công tác hướng dẫn giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

- Về hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ: Bình quân hàng năm có 12 nhiệm vụ đã được hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 15 tỷ đồng/năm (cho 12 nhiệm vụ). Trong đó, hoạt động nghiên cứu triển khai công nghệ chiếm tỷ trọng 70% kinh phí.

 - Về hoạt động quản lý nhà nước về công nghệ: Từ năm 2016 đến nay (sau khi có Thông tư 03/2016/TT-BKHCN), Sở đã tổ chức cho ý kiến thẩm định cơ sở khoa học và công nghệ 18 dự án.

- Về hoạt động sở hữu trí tuệ: Đã tổ chức hướng dẫn xác lập quyền SHTT cho trên 300 nhãn hiệu (trong đó có 10% nhãn hiệu tập thể), 20 sáng chế/giải pháp hữu ích, 35 kiểu dáng công nghệp.

- Về đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ: không có hồ sơ đăng ký.

- Về đăng ký chuyển giao quyền, chuyển quyền sở hữu trí tuệ: không có hồ sơ đăng ký.

3. Công tác hỗ trợ, phát triển tổ chức trung gian  của thị trường KH&CN

  Sở KH&CN luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Cụ thể:

          Hỗ trợ hoàn lại 40% (không quá 200 triệu đồng/kết quả) kinh phí do nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân tự thực hiện nghiên cứu khoa học, giải mã công nghệ, hoàn thiện sáng chế (hoặc giải pháp hữu ích), sáng kiến. Điều kiện hỗ trợ là kết quả nghiên cứu của tổ chức, cá nhân đã được chuyển giao hoặc ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan có thẩm quyền công nhận bằng văn bản.

Hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí vé máy bay khứ hồi (hạng phổ thông) cho 01 người/tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia xúc tiến đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao ở nước ngoài theo kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, nhà đầu tư nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được UBND tỉnh mời làm đầu mối tham gia cùng đoàn của tỉnh đi xúc tiến đầu tư nước ngoài.

Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại hóa sản phẩm khoa học: Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khi tham gia Triển lãm công nghệ, Chợ công nghệ thiết bị. Cụ thể như sau:

- Nếu tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh chọn tham gia Triển lãm công nghệ, Chợ công nghệ thiết bị ở nước ngoài được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng nhưng phải được cơ quan do UBND tỉnh giao làm đầu mối thẩm định, đề xuất hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.

- Các tổ chức, cá nhân (trừ các doanh nghiệp là đại lý) khi tham gia Triển lãm công nghệ, Chợ công nghệ thiết bị trong nước được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng và chi phí vận chuyển hàng hóa tham gia nhưng phải được cơ quan do UBND tỉnh giao làm đầu mối thẩm định, đề xuất hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.

- Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân 70% chi phí (phí dịch vụ và lệ phí) cho hoạt động thực hiện các thủ tục công nhận, đăng ký, lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới để ứng dụng, chuyển giao, thương mại. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/dự án.

Nhận xét, đánh giá:

Theo số liệu nghiên cứu thống kê, năm 2016 hoạt động khoa học công nghệ (thông qua yếu tố năng suất tổng hợp-TFP) đóng góp khoảng 19%, giai đoạn 2016-2020 chỉ số TFP ước đạt 47,73% tăng trưởng kinh tế của địa phương (mục tiêu Nghị quyết năm 2020 chỉ số TFP là 35%); giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao hiện chỉ đạt khoảng 22% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (mục đến năm 2020 là 30%); tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 10%/năm; đầu tư cho hoạt động R&D do của nhà đầu tư (doanh nghiệp) tự trang trải trên địa bàn tỉnh hiện tại chỉ khoảng 0,02% doanh thu và tổng chi cho R&D của tỉnh  theo %GRDP là 0,17.

Số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ sản xuất toàn tỉnh chỉ đạt 147/2.700 doanh nghiệp. Hoạt động giao dịch công nghệ, xúc tiến, chuyển giao chưa được nổi bật, chưa hình thành được Sàn giao dịch công nghệ & thiết bị và không có Tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ.

Hiện nay thị trường công nghệ tỉnh Trà Vinh chưa phát triển được, không có tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Nguyên nhân:

 - Hoạt động chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, mang tính cục bộ, phạm vi hẹp, tự phát, cơ sở khoa học chưa đảm bảo; hình thức chuyển giao còn đơn giản, đối tượng chuyển giao công nghệ chủ yếu là mua bán thiết bị. Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng tầm về vai trò của hoạt động tư vấn lựa chọn, đánh giá, thẩm định công nghệ trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

- Hầu hết doanh nghiệp ở tỉnh Trà Vinh là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; năng lực hạn chế trong việc tiếp cận các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, yêu cầu qui mô sản xuất lớn.

- Nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KH&CN còn thấp (tổng chi cho R&D của tỉnh  theo %GRDP là 0,13; bình quân cả nước là 0,2), hiệu quả chưa cao; khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn ứng dụng còn lớn; cơ hội khai tác kết quả nghiên cứu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.

Dự báo theo mục tiêu phát triển về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh theo Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 của UBND tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, có khoảng 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động. Với tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế; các lĩnh vực có nhu cầu cao về chuyển giao công nghệ là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các ngành nghề, sn phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc có lợi thế cạnh tranh (như: Dừa, thủy sản, rau màu, thủ công mỹ nghệ, trái cây,…), các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp, ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đi khí hậu.    

                                                                                                  Thúy Hằng


Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 1975
  • Trong tuần: 20 015
  • Tất cả: 4389601