Cảnh báo mối nguy hại toàn cầu từ rác thải điện tử
Lượt xem: 4459
Các loại rác thải điện tử như: pin, thiết bị điện tử cũ... là loại rác thải cực độc hại, có nguy cơ hủy diệt môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên vấn đề này lại chưa được người dân chú ý và coi trọng trong cách xử lý.

Rác thải điện tử là bất cứ sản phẩm điện hoặc điện tử nào không còn sử dụng được nữa và cần phải loại bỏ. Hiện hữu ở hầu hết mọi nơi quanh chúng ta, rác thải điện tử được "tạo ra" với tốc độ nhanh khác thường. Máy tính, ti vi bị thay thế bằng các mẫu mới hơn là một ví dụ thường gặp của rác thải điện tử, cùng với vô số sản phẩm khác bị thải ra, như: Đầu máy video, đầu đĩa DVD, máy in, máy fax, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3…

Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” mới được Liên Hợp quốc công bố, trong năm 2019, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.

Cảnh báo mối nguy hại toàn cầu từ rác thải điện tử

Tính theo bình quân đầu người, trên toàn thế giới lượng rác thải điện tử bị loại bỏ năm 2019 trung bình là 7,3 kg/người (kể cả trẻ em). Châu Âu đứng đầu danh sách với 16,2 kg/người. Châu Đại Dương đứng thứ hai (16,1 kg), tiếp theo là châu Mỹ (13,3 kg). Châu Á và châu Phi thấp hơn nhiều: lần lượt là 5,6 và 2,5 kg.

Chỉ 17,4% rác thải điện tử của năm 2019 được thu gom và tái chế. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 60 tỷ USD có mặt trong vàng, bạc, đồng, bạch kim và các vật liệu có giá trị cao khác cấu tạo nên các thiết bị điện tử, đã bị vứt bỏ hoặc đốt thay vì được thu gom để xử lý và tái sử dụng.Các thiết bị điện tử nhỏ như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử năm 2019. Lượng rác điện tử nhiều thứ 2 (chiếm 24%) là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp, máy photocopy. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn. Thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông nhỏ như điện thoại chiếm khoảng 5,6 triệu tấn.

Tại Việt Nam, nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện mức sống người dân.

Theo thời gian, do việc giảm liên tục giá thành mang tính cạnh tranh của thiết bị điện tử, cùng với những thay đổi về mẫu mã, loại hình và công năng sẽ tạo ra nhu cầu lớn thay đổi thiết bị điện tử gia dụng, dẫn đến phát sinh một lượng rác thải điện tử gia dụng lớn với tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Chất thải điện tử hiện chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ chất thải hiện nay.

Số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.

Những nguy hại khôn lường

Các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hoá học khác nhau có thể xâm nhập vào đất và trở nên có hại. Những thứ như chì, thuỷ ngân, đồng, niken, bari, thậm chí là arsen hiện diện ở trong vô số sản phẩm điện tử. Khi các sản phẩm này hết date và bị ném ra ngoài bãi rác, chúng thường vỡ nát và phơi ra ngoài “nội thất” bên trong với các thành phần kim loại và hoá chất độc hại, nguy hiểm.

Hiện nay còn nhiều nhà máy xử lý rác điện tử còn thô sơ, không được vận hành một cách an toàn. Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi.

Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa những chất như chì và baric dễ ngấm vào đất và nước ngầm nơi tái chế, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đó khi sử dụng nước để nấu nướng, tắm rửa.

Ngoài các nguy cơ đối với môi trường, rác thải điện tử cũng tạo ra mối đe doạ về an ninh thông tin đối với cá nhân và tổ chức. Nếu một ổ cứng không được xoá đi đúng cách trước khi bị bỏ đi, nó có thể bị xâm nhập và lấy đi các thông tin nhạy cảm. Số thẻ tín dụng, dữ liệu tài chính và thông tin tài khoản có thể bị lấy đi theo cách này. Có hàng loạt tội phạm có tổ chức ở Ghana chuyên khai thác thông tin mật từ các ổ đĩa máy tính bị vứt bỏ.

Nguồn: https://sokhcn.soctrang.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 256
  • Trong tuần: 18 296
  • Tất cả: 4387882