Một số điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2020

Ảnh minh họa

Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (Luật Đầu tư 2020) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17/6/2020 với một số điểm mới nổi bật, cụ thể như sau:

- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh:
Bãi bỏ kinh doanh dịch vụ đòi nợ ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chuyển vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. 

- Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:
Luật Đầu tư 2020 bãi bỏ 24 ngành, nghề kinh doanh; bổ sung 08 ngành, nghề kinh doanh; sửa đổi 14 ngành, nghề kinh doanh. Như vậy, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm từ 243 ngành, nghề còn 227 ngành, nghề.

- Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư từ 05 nhóm đối tượng theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 thành 07 nhóm đối tượng và bổ sung thêm một số đối tượng trong từng nhóm. Đáng chú ý nhất đó là “Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển”.

- Ngành, nghề ưu đãi đầu tư:
Luật Đầu tư 2020 vẫn duy trì 14 nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh được hưởng ưu đãi đầu tư, tuy nhiên có sự thay đổi chi tiết. Theo đó, bãi bỏ, bổ sung thêm một số ngành trong từng nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh, cụ thể như: bổ sung “Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành”.

- Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt:
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Đầu tư 2014, đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt bao gồm: Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư:
Quy định mới về các dự án đầu tư không được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động, cụ thể là: Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.

- Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư:
Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp: Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

 

Tải Nội dung Luật tại đây61.signed.pdf   61PL.pdf

 

 

Tin: Nguyễn Trường Vinh - Trung tâm Khuyến công và XTTM

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 54
  • Trong tuần: 1 572
  • Tất cả: 2882464