Ban hành Quy định công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương

Ảnh: Internet

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-BCT ngày 16/3/2020 Quy định về việc công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.

Quy định nêu rõ hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương được thực hiện trong 15 lĩnh vực, gồm:  An toàn thực phẩm, hoạt động tham gia chuỗi phân phối sản phẩm ngoài nước, tư vấn về đầu tư các loại nguồn điện, hoạt động khuyến công, hoạt động cụm công nghiệp, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, xúc tiến đầu tư phát triển, phòng vệ thương mại…
Các cá nhân, tổ chức được xét công nhận tư vấn viên phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Về tiêu chí chung, đối với cá nhân phải là công dân Việt Nam; có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo; có ít nhất 1 năm làm công tác quản lý tại doanh nghiệp hoặc tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Các tổ chức tư vấn phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có chức năng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định, có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật chuyên ngành và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đã hoặc đang thực hiện tối thiểu 10 hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp…

Cùng đó, văn bản mới cũng quy định rõ cá nhân, tổ chức tư vấn phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí chuyên biệt trong lĩnh vực của ngành Công Thương. Trong đó, tư vấn về đầu tư các loại nguồn điện mặt trời, thủy điện, điện gió, nhiệt điện, điện hạt nhân, Biogas các cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt như chủ nhiệm, chủ trì phải có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội tại tổ chức hoạt động tư vấn tối thiểu 12 tháng; đối với các công trình, dự án đặc thù (như nhà máy điện hạt nhân), ngoài các chứng chỉ hành nghề tương ứng với loại công việc thực hiện, những cá nhân này phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án. Tổ chức tư vấn phải có giấy phép hoạt động điện lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; có chứng chỉ năng lực phù hợp với lĩnh vực hoạt động tư vấn theo quy định.

Hoạt động khuyến công, cá nhân tư vấn phải có năng lực, trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, công nghệ kỹ thuật, sản xuất và chế biến; có chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động khuyến công tư vấn cho cơ sở công nghiệp nông thôn hoặc đã từng tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến công; am hiểu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công; có chứng nhận đã tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khuyến công; có khả năng giao tiếp tốt, có tinh thần phục vụ nhân dân. Tổ chức tư vấn có ít nhất 2 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, cá nhân tư vấn có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính; có kiến thức, hiểu biết hoặc đã được đào tạo về pháp luật cạnh tranh, ưu tiên người có kinh nghiệm tham gia vào các vụ việc cạnh tranh.

Xúc tiến đầu tư phát triển, cá nhân có trình độ từ đại học trở lên về các ngành luật, đầu tư, kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh; có hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại nói chung và của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam; có xác nhận của ít nhất 5 khách hàng về kết quả tư vấn đầu tư, xúc tiến đầu tư có hiệu quả. Đối với tổ chức tư vấn có ít nhất 02 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, như: Cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; tư vấn chính sách, lập hồ sơ dự án, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư.

Phòng vệ thương mại, cá nhân có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh; có trình độ từ đại học trở lên trong một trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại thương, tài chính hoặc luật; có hiểu biết về lĩnh vực phòng vệ thương mại; ưu tiên các cá nhân có kinh nghiệm tham gia xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Đối với tổ chức tư vấn phải có đội ngũ nhân lực có năng lực sử dụng thành thạo tiếng Anh, có đội ngũ nhân lực có trình độ từ đại học trở lên trong một trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại thương, tài chính hoặc luật và có hiểu biết về lĩnh vực phòng vệ thương mại; có năng lực và cơ sở thu thập thông tin, phân tích số liệu; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực phòng về thương mại.

Bên cạnh những nội dung trên, quy định mới cũng quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương, như: Hồ sơ đăng ký vào mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương; quy trình thẩm định và công nhận các tổ chức, cá nhân tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương; tổ chức hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương; kinh phí thực hiện.

Để biết thêm thông tin đề nghị liên hệ Phòng Phát triển tiểu thủ công nghiệp và Doanh nghiệp – Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Điện thoại: 024.22218345./.

Tải Quyết định số 842/QĐ-BCT của Bộ Công Thương tại đây

Tin: Trịnh Văn Yên - Thanh tra Sở (nguồn: Cục Công Thương địa phương)

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 638
  • Trong tuần: 16 565
  • Tất cả: 2862995