Cảnh báo gian lận thương mại quốc tế và khuyến nghị cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Bộ Ngoại giao vừa thông tin về một số hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế có liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có Văn bản số 4188/VPCP-KTTH ngày 05/7/2022 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, địa phương liên quan theo thẩm quyền và quy định hiện hành nghiên cứu thực hiện các kiến nghị của Bộ Ngoại giao nhằm hạn chế các vụ việc lừa đảo, nghi lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại quốc tế liên quan tới doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi gian lận thương mại ngày càng phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi và phức tạp hơn. Việt Nam có nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp. 

Một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến như: 

- Lừa đảo trong xuất nhập khẩu hàng hóa, không thanh toán, không chuyển hàng như hợp đồng đã ký. 

- Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch. 

- Giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán. 

- Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu. 

Các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có một số đặc điểm chung như: Quá trình đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng, đối tác đồng ý ngay giá bán nhưng ép doanh nghiệp ta ký các hợp đồng mẫu không thể sửa đổi; Chỉ muốn liên lạc qua mạng internet, dùng các email miễn phí để giao dịch thay vì email chính thức của công ty; chỉ dùng các ứng dụng nhắn tin để trao đổi, tránh gặp trực tiếp hoặc họp trực tuyến; Cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ ba, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải công ty đứng tên hợp đồng, giấy phép kinh doanh sắp hết hạn...Đề nghị chấp nhận thanh toán bằng các hình thức có rủi ro cao, bắt đặt cọc để làm các thủ tục giấy tờ ở nước ngoài, đề nghị chuyển trước một phần hoặc toàn bộ chứng từ để xin giấy phép nhập khẩu.

Để hạn chế các rủi ro nêu trên, trong giao dịch thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm một số vấn đề sau: 

1. Tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín như các hoạt động giao thương trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, qua giới thiệu của Bộ, ngành, các cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp...Nếu tìm đối tác qua mạng internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước. 

2. Kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin của đối tác. 

3. Nghiên cứu kỹ hợp đồng và triển khai giao dịch. 

4. Tăng cường thông tin với các cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam để được cập nhật, giới thiệu đầu mối, trang thông tin, cơ sở dữ liệu chính thức phục vụ việc tìm kiếm đối tác, tra cứu, tham khảo các vụ việc gian lận thương mại và tư vấn pháp lý, giới thiệu các công ty luật uy tín để hỗ trợ xử lý các tranh chấp, vụ kiện về thương mại, đầu tư. Tăng cường tìm kiếm tư vấn và trợ giúp pháp lý khi xây dựng, ký kết các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng có giá trị lớn, có điều khoản thanh toán có rủi ro cao.

Bộ Ngoại giao khuyến nghị: 

Theo Bộ Ngoại giao nhằm hạn chế các vụ việc lừa đảo, nghi lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại quốc tế liên quan tới doanh nghiệp Việt Nam, kiến nghị một số giải pháp sau:

- Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: (i) Tăng cường cảnh báo, thông tin cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện; (ii) Phối hợp với các cơ quan liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường phổ biến kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp; (ii) Nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin để cảnh báo, cập nhật về các vụ việc, thủ đoạn, hành vi lừa đảo.

- Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương chỉ đạo các CQĐD, Thương vụ ta ở nước ngoài: (i) Tiếp tục thông tin, cảnh báo cho các Bộ, ngành chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước về các tổ chức, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp, các hình thức lừa đảo mới, các hành vi lừa đảo tại các địa bàn được đánh giá là an toàn trong giao dịch; (ii) Xây dựng và củng cố mạng lưới quan hệ với chính quyền, các cơ quan quản lý về an ninh kinh tế, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, công ty luật uy tín ở sở tại để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong ngăn chặn và xử lý các vụ việc lừa đảo và tranh chấp; (iii) Tăng cường giới thiệu các hiệp hội doanh nhân, luật sư Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng mạng lưới hỗ trợ thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp ta.

- Bộ Công an: (i) Tăng cường thông tin, cảnh báo các doanh nghiệp ta về các thủ đoạn, dấu hiệu lừa đảo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong mua, bản hàng hoá, dịch vụ trên môi trường mạng; (ii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an ninh với các nước và tổ chức Interpol để kịp thời điều tra, hỗ trợ xử lý các vụ việc lừa đảo, tranh chấp, gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

- Bộ Thông tin và Truyền thông: (i) Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho địa phương, doanh nghiệp về vấn đề lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế; (ii) Kịp thời định hướng báo chí trong nước đưa tin bám sát theo chủ trương xử lý, thông tin chính thức của các cơ quan chức năng để tránh tác động không thuận đến quá trình giải quyết các vụ việc và hình ảnh của thị trường và các doanh nghiệp liên quan.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cảnh báo, tư vấn cho doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch có mức độ rủi ro cao, có khả năng xảy ra gian lận thương mại.

- Các địa phương nâng cao vai trò của các cơ quan liên quan (Ngoại vụ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông:..) trong phối hợp cảnh báo và hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động xử lý các vấn đề liên quan đến lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế.

- Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ động tăng cường nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác đối ngoại, ngoại thương, pháp lý và phát triển thị trường của doanh nghiệp./.

Tin: Trịnh Văn Yên - Thanh tra Sở  

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 1 542
  • Tất cả: 2882434