Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Khu Công nghiệp Long Đức. Ảnh minh họa

Ngày 30/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 11/01/2021.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện), chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan đến công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp hoặc di dời vào cụm công nghiệp.

Nguyên tắc phối hợp được thực hiện theo cơ chế quản lý một đầu mối, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Sở Công Thương giữ vai trò đầu mối, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Công tác phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan trong quá trình tham gia phối hợp. Công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thực hiện đúng theo pháp luật về Thanh tra, các Nghị định, Thông tư và các văn bản hiện hành có liên quan. Sở Công Thương là đầu mối chủ động phối hợp các Sở, ngành thực hiện. Mỗi nội dung phối hợp phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

Quá trình thực hiện sẽ do một cơ quan chủ trì và một hoặc nhiều cơ quan khác phối hợp giải quyết công việc. Nội dung phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch,... phát triển cụm công nghiệp; Cấp, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận,... liên quan đến hoạt động trong cụm công nghiệp; Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong cụm công nghiệp; Xây dựng và quản lý thông tin về cụm công nghiệp; chỉ đạo các hoạt động xúc tiến đầu tư vào cụm công nghiệp; Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển cụm công nghiệp.

Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Trong đó, Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế.

Tải Quyết định 30/2020/QĐ-UBND tại đây 

 

Tin: Huỳnh Ngọc Xuân - Phòng Quản lý Công nghiệp

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 1 557
  • Tất cả: 2882288