Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2020: Có thể buộc thôi việc đối với công chức nếu kê khai tài sản không trung thực

Ảnh minh họa

Từ tháng 12/2020, những chính sách mới quan trọng đối với công chức, viên chức có hiệu lực gồm: 

1. Có thể buộc thôi việc đối với công chức kê khai tài sản không trung thực

Đây là một trong những hình thức xử lý đối với công chức có hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020.

Cụ thể, theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng 2018.

Trong đó, Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định một trong những hình thức kỷ luật áp dụng trong trường hợp này là buộc thôi việc.

2. Quy định mới về tuyển dụng công chức

Chính phủ ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Theo đó, có một số nội dung đáng lưu ý như:

- Quy định mới về miễn thi ngoại ngữ, cụ thể miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

+ Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;

Điều này có nghĩa nếu vị trí thi tuyển yêu cầu công chức trình độ chuyên môn là trung cấp thì người có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ có trình độ từ trung cấp trở lên sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Trong khi đó, trước đây Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định phải có “bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ” mới được miễn thi.

Điều này có nghĩa nếu vị trí thi tuyển yêu cầu công chức có trình độ chuyên môn là cao đẳng thì người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt

Nam sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Trong khi đó trước đây Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định phải có “bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam” mới được miễn thi.

+ Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.

- Bổ sung quy định về việc người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

3. Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 120/2020/NĐ-CP ban hành ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Nghị định nêu rõ: Các đơn vị sự nghiệp công lập mới phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới phải tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

4. Hướng dẫn bảo vệ việc làm cho người tố cáo

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

5. Quy chế về văn thư, lưu trữ áp dụng với công chức, viên chức Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ ban hành Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của Bộ kèm theo Quyết định 1032/QĐ-BNV có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Theo đó, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; các đơn vị trực thuộc Bộ khi tiếp nhận và trình ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng cần tuân thủ các quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản như sau:

**Thể thức văn bản:

- Văn bản quy phạm pháp luật thể thức thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định 34/2016/NĐ-CP;

- Văn bản hành chính thể thức thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Phụ lục I Nghị định 30/2020/NĐ-CP;

Xem thêm: Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính

- Văn bản trao đổi với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thể thức văn bản thực hiện theo quy định của pháp luật và theo thông lệ quốc tế.

**Kỹ thuật trình bày văn bản:

- Văn bản quy phạm pháp luật kỹ thuật trình bày văn bản thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định 34/2016/NĐ-CP;

- Kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, quy tắc viết hoa được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định 30/2020/NĐ-CP.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý Mục văn bản lấy ý kiến đóng góp của Bộ Công Thương./.

Tin: Trịnh Văn Yên - Thanh tra Sở Công Thương
(Nguồn baochinhphu.vn) 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 669
  • Tất cả: 2882855