Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trước tình hình hiện nay

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được phát động năm 2009, trong lúc chính người tiêu dùng Việt “thờ ơ” với hàng hóa trong nước, đã như lực đẩy giúp không ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao mẫu mã và chất lượng hàng hóa chinh phục người dùng trong nước.

Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Ngay từ đầu năm, dịch bênh do vi rút Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới, trong đó nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp. Cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung tuy đã giảm căng thẳng song vẫn khó lường. Cùng với đó, việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 khiến Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt. Nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Đó thực sự là một thách thức lớn đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian tới.

Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về cuộc vận động trong bối cảnh mới. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...

Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng… 

Tiếp tục quán triệt tinh thần của cuộc vận động là góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Song song đó, cần tiếp tục Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, đặc biệt cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam vươn ra thế giới; Thương hiệu hàng Việt ngày càng đứng vững và là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người Việt. Cần thực hiện tốt hơn việc giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống. Cần chú trọng và giám sát, kiểm tra chặt chẽ tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu nhiều mặt đối với nền kinh tế đất nước...

Trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra sau khi dịch bệnh kết thúc. Do đó, để đứng vững trên “sân nhà”, các doanh nghiệp Việt Nam cần dành sự đầu tư nghiêm túc và đúng mức cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tận dụng ưu thế là sản phẩm của người Việt để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng như mong muốn của nhiều doanh nghiệp, cuộc vận động sẽ tiếp tục được triển khai sâu, rộng với khẩu hiệu ở tầm cao hơn: “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng cả trong nước và thế giới”.

Tin: Trần Thị Hồng Nhi – Trung tâm Khuyến công và XTTM

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 67
  • Trong tuần: 1 127
  • Tất cả: 2882709