Hỗ trợ phát triển làng nghề thông qua hoạt động liên kết thị trường

Ảnh: Hình ảnh đóng giường tre của làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang

Trà Vinh hiện có tất cả 13 làng nghề; Trong đó, có 11 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Hầu hết các làng nghề ở Trà Vinh đều sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại địa phương và những vùng lân cận tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân…

Những làng nghề trên đã được công nhận chuyên sản xuất những sản phẩm độc đáo, như: dệt chiếu Hàm Tân, bánh tét Trà Cuôn, đồ dùng nông thôn thu nhỏ Đại An,… Tổng doanh thu hàng năm của làng nghề ước tính đạt trên 81 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.439 lao động với thu nhập bình quân 3.000.000 - 3.500.000 đồng/người/tháng, có hộ thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng như: HKD Trì cảnh (Làng nghề TTCN Hàm Giang); HKD Tiến Hải (Làng nghề Sơ chế biến thủy hải sản Xóm đáy); HKD Mai Hoàng Lý (Làng nghề Bánh tét Trà cuôn),…. Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề ở Trà Vinh không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh còn được bán sang các tỉnh lân cận: Vĩnh Long, TP.Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bến Tre…ngoài ra, sản phẩm cũng được các khu du lịch và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ tiêu thụ.
Làng nghề có được thị trường tương đối rộng như trên là do thời gian qua UBND tỉnh Trà Vinh có chủ trương bảo tồn và phát triển Làng nghề, nghề truyền thống. Một mặt, giúp bảo tồn, duy trì và phát triển một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một; Mặt khác, là để tạo thêm việc làm mới, việc làm cho lao động nông nhàn, giúp họ gia tăng thu nhập để cải thiện dần đời sống của người dân ở vùng nông thôn. Chủ trương trên được Sở Công thương Trà Vinh cụ thể hóa bằng các hoạt động hỗ trợ sử dụng nguồn kinh phí Khuyến công và Xúc tiến thương mại hàng năm; Ngoài 02 nguồn kinh phí đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Trà Vinh (gọi tắt là Trung tâm) còn tranh thủ nguồn kinh phí từ dự án AMD và SME để làm phong phú thêm các hoạt động hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp trong các làng nghề thuộc các xã dự án và các xã mục tiêu. Từ đó, các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề ở Trà Vinh đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao hơn như: Tôm cá khô Tiến Hải, Bánh tét Hai Lý, Salon tre Trì Cảnh và các sản phẩm trang trí nhà hàng - Khu du lịch,… được thị trường đón nhận nồng nhiệt, khách hàng gần xa tin dùng.

Cũng trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 nhiều hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã diễn ra để giúp liên kết thị trường và phát triển làng nghề như: tổ chức 07 lớp truyền nghề cho 200 học viên, chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc Khmer... cho những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, tập trung chủ yếu vào các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong các làng nghề; Hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong đó có hơn 08 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trong làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần IV năm 2018; Tổ chức 01 chuyến đi học tập kinh nghiệm nhằm tìm kiếm máy móc thiết bị trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm, quà tặng tại tỉnh Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề được tiếp xúc thực tế những phương thức sản xuất kinh doanh, mô hình mới của cơ sở, doanh nghiệp ngoài tỉnh, từ đó định hướng đầu tư, đổi mới kỹ thuật và phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế để mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Cùng với sự phát triển trong làng nghề, trong thời gian tới, ngành Công thương Trà Vinh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các Làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn kết các hoạt động sản xuất của Làng nghề với phát triển du lịch; Chú trọng tư vấn thiết kế nhãn hiệu, logo,… tiến tới xây dựng thương hiệu phục vụ cho quảng bá sản phẩm Làng nghề và tổ chức vận động thành lập các hợp tác xã để tạo cơ sở pháp lý trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán với các nhà thu gom, phân phối có uy tín trong và ngoài khu vực. Hy vọng là các hoạt động trên sẽ giúp các Làng nghề, nghề truyền thống của tỉnh có bước phát triển ổn định, khôi phục được các nghề truyền thống có nguy cơ mai một, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà./.



Tin: Cam Hùng Thịnh

Trung tâm Khuyến công  và XTTM


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 19
  • Trong tuần: 651
  • Tất cả: 2882837