Chùa Hang (Kompông Chrây)
Lượt xem: 9130

 

Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Wat Kompong Ch’rây, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nổi tiếng, tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Châu Thành, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 5 km về hướng nam, theo quốc lộ 54

Khởi nguyên, ngôi chùa này quay mặt về hướng đông, nhìn ra dòng sông Long Bình, nơi có bến ghe xuồng gần bên gốc đa để bà con phum sóc tiện lên chùa nghe kinh, lễ Phật nên có tên Wat Kompong Ch’rây (Chùa Bến Cây Đa). Đến đầu thế kỷ XX, chùa làm thêm một cổng phụ phía tây, quay ra tỉnh lộ 36 (nay là quốc lộ 54). Cổng phụ này có dạng tam quan mái vòm, tường rất dày, dài 8 m, thành hình hai hang nhỏ hai bên, hang lớn ở giữa, nên chùa có thêm tên Chùa Hang.

Cổng chùa dạng hang vòm không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tạo sự khác biệt giữa Chùa Hang với các chùa Khmer còn lại trong tỉnh mà còn ẩn chứa giá trị lịch sử tôn giáo sâu sắc. Cổng hang là “vết tích” cho thấy Phật giáo Nam tông Khmer Trà Vinh có sự kế thừa nhất định Bà La Môn giáo, bởi ngày xưa, các tu sĩ Bà La Môn thường lặng lẽ tu luyện trong các hang động thâm u, vắng bóng người qua lại.So với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chùa Hang là ngôi chùa không lớn. Sức hấp dẫn của ngôi chùa này đối với du khách gần xa chính ở xưởng điêu khắc gỗ hoạt động gần 30 năm, với nhiều sản phẩm tạo được tiếng vang trên thị trường mỹ nghệ Việt Nam và một “sân chim” được bảo vệ nghiêm ngặt tồn tại sát bên cạnh thành phố Trà Vinh.

Người Khmer Nam bộ là một tộc người sống rất thân thiện với môi trường, với thiên nhiên, đặc biệt là với cây xanh. Ở đâu có người Khmer là ở đó có cây xanh. Cả tỉnh Trà Vinh có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là 143 quần thể cây xanh rộng hàng hecta, với rất nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi luôn được bảo vệ tốt.

Những thập niên trước, khi đốn hạ cây xanh, nhất là cây cổ thụ, người ta chỉ quan tâm phần gỗ thu được từ thân cây, còn gốc cây chỉ để làm củi, thậm chí bỏ luôn tại chỗ, cho thời gian mưa nắng làm mục đi, trả lại diện tích đất cho cây khác vươn lên. Cuối thập niên 1980, trong một lần trùng tu, nhà chùa rước nghệ nhân Thạch Buôl từ Vĩnh Long về thực hiện việc trang trí các khung gỗ chánh điện. Thấy qua bàn tay nghệ nhân, những thân gỗ như nhau bỗng hóa thành nhiều hình tượng, hoa văn sinh động nên sư cả Thạch Suông gợi ý nghệ nhân Thạch Buôl tận dụng giá trị phần gốc cây đang bị bỏ mục khắp nơi. Vậy là lớp học điêu khắc gỗ tại chùa Hang ra đời, với gần 10 học viên là các sư sãi nhà chùa và thanh niên trong phum sóc. Xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật được thành lập ngay trong khuôn viên nhà chùa, vừa hoạt động sản xuất vừa tiếp tục đào tạo nghề cho thanh niên khắp nơi, theo hình thức truyền nghề, cầm tay chỉ việc.

Đến thăm chùa Hang, du khách được trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân và công nhân xưởng điêu khắc gỗ bằng nhiều dụng cụ khác nhau, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Khâu khó nhất mà cũng đòi hỏi tư duy nghệ thuật cao nhất là nhận dạng hình tượng, đường nét, bố cục tác phẩm từ những gốc cây với bộ rễ tự nhiên chằng chịt, không gốc nào giống gốc nào. Nghệ nhân Sơn Sốc, người thợ cả của xưởng bảo rằng có khi dựng gốc cây lên, chăm chú nhìn ngày này qua ngày khác cũng chẳng mường tượng được gì, bỗng nhiên một giây phút thăng hoa nào đó, từ những đường nét, hình thù của gốc và rễ cây, như hiện rõ các hình tượng muông thú, hoa lá. Vậy là, với cây bút bi trong tay, nghệ nhân phác họa hình tượng, đường nét một cách chi tiết trực tiếp lên từng phần cụ thể từ gốc ra đến rễ lớn, rễ nhỏ… để nhóm thợ thủ công thực hiện khâu cưa cắt, đục đẻo, chạm trỗ.

Qua gần 30 năm hoạt động, xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật Chùa Hang đã cho ra đời rất nhiều ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau. Có tác phẩm cầm gọn trong tay dùng trang trí trên bàn làm việc đến những tác phẩm hoành tráng chiếm diện tích đến 60 m2, nặng nhiều tấn chỉ có thể đặt tại sảnh các cung điện, đền đài, khách sạn qui mô lớn. Tất cả các tác phẩm từ xưởng điêu khắc gỗ Chùa Hang, dù lớn dù nhỏ, đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Đến tham quan, du khách có thể chọn mua hoặc đặt hàng cho chuyến tham quan sau những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ mà mình ưng ý nhất.

Từ xưởng điêu khắc gỗ Chùa Hang, lần lượt các thế hệ nghệ nhân được đào tạo trở về địa phương mở cơ sở điêu khắc tại chùa hay tại gia đình, dần dần hình thành làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ nghệ thuật Khmer trên địa bàn cả tỉnh. Những gốc cây tưởng chỉ bỏ đi khắp các phum sóc giờ được các nghệ nhân chắp cánh thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lay động lòng người.

Khuôn viên Chùa Hang rộng khoảng 7 ha, thực sự là khu rừng nguyên sinh với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… chen nhau thành nhiều tầng cao thấp khác nhau rất có giá trị về mặt sinh quyển và là nguồn gene tự nhiên cho các thế hệ sau.

Từ đầu thế kỷ XX, khu rừng trong khuôn viên Chùa Hang có rất nhiều dơi quạ trú ngụ. Ban đêm chúng tỏa đi tìm thức ăn, ban ngày thì treo lủng lẳng trên khắp các cành cây. Tuy nhiên, trong chiến sự Xuân Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn cho máy bay ném bom, bắn pháo vào khuôn viên ngôi chùa, hủy hoại nhiều kiến trúc, gãy đổ nhiều cây xanh và gây thương vong cho một số sư sãi, bà con Khmer trong phum sóc đang lánh nạn trong chùa. Từ đó, những bầy dơi lần lượt bỏ đi.

Sau ngày chiến tranh kết thúc, nhất là từ thập niên 1990 trở lại đây, khuôn viên Chùa Hang lại trở thành nơi quần tụ của nhiều loại chim. Ngay khi có hiện tượng chim quần tụ trở về, sư sãi và bà con trong phum sóc rất vui mừng. Nhà chùa đặt ra những quy định bảo vệ chim và bảo vệ cây rừng rất nghiêm ngặt, tạo ra môi trường tự nhiên an bình cho những đàn chim trở về trú ngụ ngày càng đông hơn.

Ngày nay, trên khuôn viên hơn 7 ha Chùa Hang có đến gần hàng chục ngàn cá thể chim các loại, nhiều nhất là cò trắng, cò ngà, cò cổ đỏ và diệc. Được con người yêu thương bảo vệ, chim ngày càng dạn dĩ hơn. Chúng làm tổ cả trên khu vực cây cảnh mới trồng trước sân chánh điện, nhà tăng xá…

Khuôn viên Chùa Hang thực sự là một “sân chim” ngay sát trung tâm thành phố Trà Vinh.

Đến Chùa Hang, sau khi chiêm bái Đức Phật tọa trên chánh điện, tham quan xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật, du khách có thể dành chút thời gian ngồi trên các băng đá bày rải rác quanh ngôi chánh điện. Trong tầm mắt chúng ta, những cánh chim trời buổi sáng vút lên cao, tỏa đi tìm thức ăn trên những cánh đồng, dòng sông gần đó; Buổi chiều, chúng lần lượt tìm về, mang theo thức ăn cho những cánh chim non đang mong ngóng, tạo ra không khí huyên náo cho cả khu rừng chốn thiền môn yên tĩnh.

Cách trung tâm thành phố Trà Vinh chỉ khoảng 5 km, cách khu văn hóa – du lịch Chùa Âng – Ao Bà Om – Bảo tảng Văn hóa dân tộc Khmer cũng khoảng đường chừng ấy, Chùa Hang đang là điểm đến khá lý tưởng mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất Trà Vinh.

(Theo dulichtravinh.com.vn)