HĐND tỉnh giám sát công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 2328
Sáng 28/4, Đoàn giám sát số 1 HĐND tỉnh Trà Vinh đã tiến hành giám sát công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2022 tại công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Trà Vinh. 
 

 

Quang cảnh buổi làm việc

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Thị Ngọc Thơ; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Quân chủ trì cuộc họp. Tiếp đoàn giám sát số 1 HĐND tỉnh có ông Nguyễn Văn Nguyền, Chủ tịch công ty, ông Lê Phước Dũng, Giám đốc công ty cùng giám đốc các xí nghiệp có liên quan.

Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hiện công ty đang được giao quản lý, khai thác trên 90% hệ thống Tiểu dự án Nam Măng Thít do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư và 14 hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư từ ngân sách tỉnh. Bao gồm: Hệ thống thủy lợi nội đồng Mỹ Văn - Rùm Sóc, hệ thống cống Cái Hóp, cống Láng Thé, Tầm Phương, Chà Và, Thâu Râu, Hàm Giang, Trà Cú, Vàm Buôn, Bắc Trang- Trẹm, Cần Chông, Nhà Thờ, Đông kênh 3/2, Long Hòa - Hòa Minh và vùng kiểm soát mặn ngoài vùng dự án Nam Măng Thít từ QL 53 đến tuyến đê biển thuộc một phần các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang. Ngoài ra còn hơn 10 dự án nuôi trồng thủy sản ven biển.

Công ty đang quản lý khai thác, vận hành 1.256 kênh, tổng chiều dài trên 2.600 km, trong đó có 141 kênh tạo nguồn, kênh cấp I, tổng chiều dài trên 800 km; 1.115 kênh cấp II, tổng chiều dài trên 1.800 km; 163 cống các loại, trong đó có 50 cống đầu mối cấp I và 113 cống cấp II; 3 trạm bơm điện; 36 nhà quản lý, 14 trạm quan trắc, 40 bộ thiết bị quan trắc.

Hằng năm, công ty thực hiện nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra công trình, nhất là công trình đầu mối, xung yếu, phát hiện khắc phục kịp thời các sự cố, đảm bảo công trình vận hành an toàn và hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, xây dựng lịch vận hành các cống hài hòa, hợp lý; thực hiện quan trắc độ mặn, mực nước tại các điểm cống chính, các số liệu đều được thông báo hàng ngày đến các địa phương nắm để chỉ đạo sản xuất. Giai đoạn năm 2020-2022, Công ty triển khai duy tu, sửa chữa 104 công trình với tổng mức đầu tư trên 193 tỷ đồng, đã giải ngân được trên 178 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 92%.

Theo ông Lê Phước Dũng, Giám đốc công ty, giai đoạn 2018- 2022 công ty đã phát hiện trên 700 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi gồm các hành vi cản trở dòng chảy, lấn chiếm cất lều quán, mở rộng nhà, dựng nhà tạm, công trình phụ, lấp kênh, đào lấy đất bờ kênh, xả nước thải. 

Công ty đã tham mưu, phối hợp điạ phương và các đơn vị có liên quan xử lý được 504 vụ đạt trên 72% tổng số vụ việc.

Hiện, công ty đang quản lý tốt các mốc, phạm vi công trình thủy lợi do các chủ đầu tư bàn giao. Tuy nhiên việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn chưa đầy đủ do phạm vi vùng phụ cận có sự thay đổi theo Luật Thủy lợi so với lúc xây dựng công trình.

Bên cạnh đó công tác điều tiết vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do lịch sản xuất không đồng bộ giữa các huyện, việc xuống giống tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ lịch thời vụ ở một số nơi làm ảnh hưởng đến công tác điều tiết nước. Các công trình đầu tư từ nhiều năm trước đến nay đã xuống cấp, bồi lắng, sạt lở,… kinh phí duy tu sửa chữa chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế, thu nhập của người lao động của công ty còn quá thấp...

Công ty có kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần tăng cường hơn nữa sự quản lý nhà nước ở địa phương, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nâng cao ý thức người dân  để cùng với doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình có hiệu quả, bảo vệ hành lang công trình và bố trí mùa vụ, cơ cấu sản xuất hợp lý, cho phép công ty được đăng ký danh mục một số trụ sở xí nghiệp, trạm thủy nông vào danh mục công trình được đầu tư công của tỉnh.

Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát đã đưa ra các yêu cầu làm rõ về:  phương án bảo vệ các cống đầu mối, công tác cắm mốc các công trình thủy lợi, quản lý bãi chứa bùn sau nạo vét kênh, phương án xử lý lục bình trên các dòng kênh, hạ độ cao các tuyến kênh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thủy lợi...

 Cũng tại buổi giám sát, bà Dương Thị Ngọc Thơ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi đã thực hiện tốt vai trò quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý; thực hiện khá tốt việc sử dụng hệ thống giám sát điều khiển và thu thập số liệu Scada; ứng dụng công nghệ điều khiển cửa cống bằng hệ thống xy-lanh thủy lực... Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi có nơi chưa hiệu quả, có những công trình đầu tư từ nhiều năm trước đến nay đã xuống cấp, bồi lắng, sạt lở,… nhưng chưa có giải pháp triệt để để khắc phục, sửa chữa...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Thị Ngọc Thơ kết luận sơ bộ cuộc giám sát.

 Qua đó, bà Dương Thị Ngọc Thơ đề nghị: Công ty cần tăng cường công tác quản lý, khai thác, vận hành, bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn gắn với việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác sông, kênh, rạch, trên địa bàn theo quy hoạch. Nhanh chóng trình phê duyệt Phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tham mưu trình phê duyệt định mức trục vớt lục bình trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch vận hành hệ thống công trình thủy lợi theo quy trình; đảm bảo lịch thời vụ đồng bộ, cung cấp nước tưới, tiêu cho sản xuất của người dân tại địa phương; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, chú trọng quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, người lao động, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

                                           Phượng Khánh 

Tin khác