Trà Vinh xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Lượt xem: 3111
Theo Quyết định số 288/QĐ-BNV ngày 14/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) năm 2022 (Chỉ số SIPAS), Trà Vinh đạt 81,93%, xếp vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành phố. 
 

 

So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh xếp vị trí thứ 2/13. So với năm 2021, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh Trà Vinh tăng 6 bậc (năm 2021, kết quả Chỉ số SIPAS của tỉnh Trà Vinh xếp ở vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố). Kết quả đo lường cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2022 là 80,08%.

Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân được Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực cải cách hành chính của Chính phủ - triển khai trong phạm vi cả nước hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ kể từ năm 2017 đến nay (năm 2015 triển khai tại 10 tỉnh, thành phố đại diện).

Năm 2022 là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng. Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 tập trung trên 2 khía cạnh, gồm việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung (DVHCC). 

 8 nhóm chính sách được lựa chọn khảo sát bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội.

Đối tượng khảo sát thu thập thông tin đo lường sự hài lòng năm 2022 là người dân (đủ 18 tuổi trở lên), được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo tính đại diện, khách quan. Chỉ số hài lòng được tính là điểm trung bình phần trăm của tất cả các mức điểm phản ánh các mức độ hài lòng của người dân được khảo sát.

Việc mở rộng nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 để phản ánh toàn diện hơn về sự phục vụ của CQHCNN; để giúp chính quyền địa phương, CQHCNN lắng nghe ý kiến của người dân đại diện cho mọi nhóm dân số dựa trên tri thức, trải nghiệm của họ cũng như để các chỉ số hài lòng phản ánh đầy đủ cảm nhận của người dân, dù hài lòng cao, hài lòng, hài lòng thấp hay không hài lòng.

Nội dung cụ thể từng mức độ hài lòng của tỉnh Trà Vinh, như sau:

- Mức độ hài lòng (MĐHL) của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực
hiện chính sách của cơ quan nhà nước tỉnh Trà Vinh đạt 81,34% (cả nước là 79,72%), được đo lường thông qua 4 khía cạnh: (1) Trách nhiệm giải trình của cơ quan chính quyền; (2) Cơ hội của người dân tham gia ý kiến đối với chính sách; (3) Chất lượng chính sách; (4) Kết quả, tác động của chính sách. MĐHL của người dân đối với mỗi khía cạnh được tổng hợp từ MĐHL của người dân đối với một số nội dung quan trọng của khía cạnh đó.

- MĐHL về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước (CQNN) tỉnh Trà Vinh đạt 82,21% (cả nước là 79,74%), được đo lường thông qua 2 nội dung: (1) CQNN cung cấp thông tin, giải thích về các chính sách theo nhiều hình thức, giúp mọi người dân dễ tìm, dễ thấy; (2) CQNN cung cấp thông tin, giải thích về các chính sách đầy đủ, dễ hiểu đối với người dân.

- MĐHL của người dân đối với cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách tỉnh Trà Vinh đạt 83,39% (cả nước là 79,65%) và được đo lường thông qua 2 nội dung: (1) CQNN tổ chức xin ý kiến góp ý của người dân đối với các chính sách theo nhiều hình thức, giúp mọi người dân tham gia dễ dàng; (2) CQNN tổ chức nhiều hình thức để người dân phản hồi ý kiến về kết quả, tác động của các chính sách, giúp người dân tham gia dễ dàng.

- MĐHL của người dân đối với chất lượng chính sách tỉnh Trà Vinh đạt 81,93% (cả nước là 79,68%), được đo lường thông qua tiêu chí tính phù hợp của chính sách, tập trung ở 8 nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân là: (1) Chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phù hợp; (2) Chính sách khám chữa bệnh phù hợp; (3) Chính sách giáo dục phổ thông phù hợp; (4) Chính sách trật tự, an toàn xã hội phù hợp; (5) Chính sách giao thông đường bộ phù hợp; (6) Chính sách điện sinh hoạt phù hợp; (7) Chính sách nước sinh hoạt phù hợp; (8) Chính sách an sinh xã hội phù hợp.

- MĐHL của người dân đối với kết quả, tác động của chính sách tỉnh Trà Vinh đạt 77,81% (cả nước là 79,83%), được đo lường thông qua 2 nội dung: (1) Chính sách của địa phương đã góp phần giúp cho kinh tế gia đình của người dân ngày càng tốt hơn; (2) Chính sách của địa phương đã góp phần giúp cho chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn.

- MĐHL của người dân đối với tiếp cận dịch vụ tỉnh Trà Vinh đạt 81,97% (cả nước là 80,78%), được đo lường thông qua 4 nội dung: (1) Cơ quan cung cấp thông tin về việc giải quyết thủ tục hành chính theo nhiều hình thức, dễ tiếp cận, dễ hiểu đối với mọi người dân; (2) Trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính có biển hiệu, hướng dẫn rõ ràng, dễ thấy; (3) Trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính sạch sẽ, văn minh; (4) Trang thiết bị phục vụ người dân đầy đủ, chất lượng tốt, giúp người dân giải quyết công việc dễ dàng hơn.

- MĐHL của người dân về thủ tục hành chính tỉnh Trà Vinh đạt 82,86% (cả nước là 80,68%), được đo lường thông qua 4 nội dung: 1) Quy định thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính dễ thấy, dễ hiểu; (2) Thành phần hồ sơ người dân phải nộp là đúng quy định; (3) Mức phí/lệ phí người dân phải nộp là đúng quy định; (4) Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân là đúng quy định.

- MĐHL của người dân đối với công chức tỉnh Trà Vinh đạt 83,74% (cả nước là 80,35%), được đo lường thông qua 4 nội dung: (1) Công chức có thái độ giao tiếp lịch sự, tôn trọng đối với người dân; (2) Công chức cung cấp thông tin, trả lời kịp thời, đầy đủ các câu hỏi, ý kiến của người dân; (3) Công chức hướng dẫn hồ sơ dễ hiểu, đảm bảo người dân có thể hoàn thiện hồ sơ sau một lần hướng dẫn; (4) Công chức tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc cho người dân.

- MĐHL của người dân đối với kết quả dịch vụ tỉnh Trà Vinh đạt 83,62% (cả nước là 80,58%) được đo lường thông qua 3 nội dung: (1) Kết quả dịch vụ được trả đúng hẹn; (2) Kết quả dịch vụ có thông tin đầy đủ, chính xác; (3) Kết quả dịch vụ đảm bảo tính công bằng.

- MĐHL của người dân đối với việc cơ quan tiếp nhận, xử lý phản
ánh, kiến nghị tỉnh Trà Vinh đạt 80,48% (cả nước là 79,76%), được đo lường thông qua 3 nội dung: (1) Cơ quan có bố trí hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, giúp người dân phản ánh, kiến nghị dễ dàng; (2) Cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân đúng quy định; (3) Cơ quan thông báo kết quả xử lý phản ánh kiến nghị cho người dân kịp thời.

- MĐHL của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tỉnh Trà Vinh đạt 82,53% (cả nước là 80,43%), được tổng hợp từ MĐHL của người dân đối với 05 nội dung, gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ; (2) Thủ tục hành chính; (3) Công chức; (4) Kết quả dịch vụ; và (5) Việc cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.

MĐHL của người dân đối với sự phục vụ của CQHCNN của 63 tỉnh nằm trong khoảng 87,59% - 72,54%, với sự chênh lệch giữa tỉnh cao nhất và tỉnh thấp
nhất là 15,05%. 5 tỉnh có MĐHL của người dân  cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa; 5 tỉnh thấp nhất là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Truyền Nguyễn

 

Tin khác