Hội nghị tháo gỡ khó khăn khối Công Thương địa phương
Lượt xem: 1670
Sáng ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023.
 

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu chính có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các đơn vị thuộc Bộ. Tham dự tại điểm cầu Trà Vinh có ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và địa phương có liên quan.

Trong quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động xuất, nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 75,1 USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Song song đó, thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 22,6 tỷ USD.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo những khó khăn chủ yếu như: nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số doanh nghiệp giải thể tăng; các dự án điện gặp khó khăn. Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chỉ số hàng tồn kho. Bộ Công Thương cần xem xét kiến nghị vấn đề vốn sản xuất và lãi suất ngân hàng, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trước kiến nghị của các địa phương, đại diện Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những giải pháp như: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu. Bộ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo khả thi, phù hợp với các FTA đã ký kết. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị mỗi địa phương cần khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.

Ngân Linh

Tin khác