Kết quả chủ yếu của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 3654
Sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao (từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022), Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 15/11/2022
(Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Tại kỳ họp đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận Hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 lượt tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Thứ nhất, về công tác lập pháp. Quốc hội đã thông 6 dự án Luật, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Riêng đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án Luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi)Luật Phòng thủ dân sự.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đọc diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 15/11/2022
(Ảnh: quochoi.vn)

 Thứ hai, về công tác giám sát tối cao. Quốc hội đã xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng; quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra.

Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Thanh tra Chính phủ trong thời gian 2,5 ngày làm việc. Qua đó, các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là “trúng và đúng”, là các vấn đề mang tính thời sự, được cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chính phủ trả lời trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trong thời gian tới.

Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật đã ban hành để kịp thời điều chỉnh những bất cập, mâu thuẫn; tập trung xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với các lĩnh vực trọng yếu như: năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…, qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Quốc hội đã xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2022, mặc dù tình hình trong nước và thế giới bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược, xung đột, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lạm phát ở nhiều nước tăng cao... nhưng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Thứ ba, về giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, đã có 2.640  kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Qua theo dõi, giám sát, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, điều hành. Nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành còn trả lời kiến nghị của cử tri chưa đúng thời hạn nên đại biểu chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số kiến nghị chưa được giải quyết; một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện; còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nên kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Từ đó, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, khẩn trương giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri, khắc phục những hạn chế, bất cập…

Thứ tư, về công tác nhân sự và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh (do nhận nhiệm vụ mới) và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể (do đã nhận nhiệm vụ khác); bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Ngô Văn Tuấn và phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với Nguyễn Văn Thắng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước và được sự đồng thuận cao.

“Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ Nhân dân đón mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm”. (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ)

 Trên cơ sở thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 nghị quyết quan trọng bao gồm: (1) Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, (2) Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, (3) Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, (4) Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, (5) Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, (6) Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), (7) Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Riêng đối với Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (tương đương 4,42% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng. Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,490 đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị với mức 100%…

Thứ năm, về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Tại kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoạt động tích cực và tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội, từ ngày 20/10 đến 15/11/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh có 6/6 đại biểu tham dự. Với tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân cả nước nói chung, với cử tri tỉnh Trà Vinh nói riêng, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia 40 lượt ý kiến có chất lượng tại các buổi thảo luận ở Tổ và thảo luận trực tiếp tại Hội trường, trong đó tại các phiên thảo luận ở Tổ có 23 lượt ý kiến với 88 nội dung; các phiên thảo luận tại Hội trường có 17 lượt ý kiến phát biểu với 61 nội dung trong chương trình kỳ họp đã đề ra. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm với Thường trực HĐND tỉnh
tại phiên họp thảo luận KT-XH Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

 Các nội dung được Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia các nội dung như: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật Phòng thủ dân sự; Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…

Đồng thời, tham gia 1 lượt chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và 01 chất vấn bằng văn bản đến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành một số vấn đề liên quan đến ban hành biểu giá mua điện mặt trời áp mái mới để thay thế biểu giá mua điện mặt trời áp mái tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân các doanh nghiệp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường; xem xét cho Công ty Nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh (Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3-mở rộng) và Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2) được phát điện tối đa công suất nhằm đạt chỉ tiêu phân bổ hàng năm; phương án nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu đầy đủ cho địa bàn các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và có giải pháp hỗ trợ cho các thương nhân phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh không bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, ngoài các phiên họp chính thức, trong thời gian diễn ra kỳ họp, các vị ĐBQH trong Đoàn đã tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên và các buổi cuộc họp, hội nghị và các hoạt động khác như: Hội nghị Đảng đoàn của Quốc hội với Tổ trưởng Rổ Đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố tham dự kỳ họp; gặp mặt và triển khai hoạt động của nhóm nữ ĐBQH Việt Nam khóa XV; gặp mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các vị đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, nhà giáo, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo; gặp mặt giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1); gặp mặt giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Hội đồng Dân tộc tổ chức; tham gia khảo sát nhu cầu bồi dưỡng kiến thức cho ĐBQH hàng năm…

Phước Tiến

 

 

Tin khác