Di tích chùa Phước Mỹ
Lượt xem: 4419

Di tích chùa Phước Mỹ tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 42km về hướng đông, thuộc ấp Bến Chùa, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang.

Chùa Phước Mỹ còn gọi là chùa là chùa Cây Quăn hay chùa Bà Sở. Gọi là chùa Cây Quăn là vì trước đây bên bờ sông phía trước chùa có cây quăn lớn nên bà con lấy đặc điểm này gọi tên chùa. Gọi là chùa Bà Sở vì ngôi chùa do bà Phạm Thị Đồ còn gọi là Bà Sở một lưu dân người Gò Công về đây lập nghiệp tạo dựng vào năm 1886.

Ngôi chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 1, hécta, phía trước là sông Thâu Râu. Bên kia sông là sông trong kháng chiến là Khu Căn cứ Tỉnh ủy (Khu Căn cứ Ấp 5, Mỹ Long). Cách chùa khoảng 500m về phía Nam là khu Căn cứ Huyên ủy (Khu Căn cứ Rẫy Tiều). 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi chùa là cơ sở của cách mạng, là địa điểm dừng chân đóng quân của nhiều đơn vị. Các nhà sư, phật tử hết lòng đùm bọc, chở che và đóng góp tiền của phục vụ kháng chiến. Mọi người luôn tin tưởng vào Đảng vào sự nghiệp cách mạng, vì vậy nơi đây là chỗ dựa để Huyện ủy Cầu Ngang xây dựng khu căn cứ kháng chiến. 

Ngay khi Chi bộ Hiệp Mỹ ra đời, Chi bộ đã chọn chùa là một trong những địa điểmhội họp, tuyên truyền phát động các phong trào đấu tranh được quần chúng nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tiến hành nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi giảm tô giảm thuế.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ phong trào cách mạng lắng xuống, chùa Bà Sở đón đồng chí Tám Sự được trên điều về vào trụ trì chùa nhằm che mắt địch hoạt động gầy dựng lại cơ sở. Đồng chí được bà con phật tử nuôi chứa, chở che.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Huyện ủy phân công đồng chí Hai Thúc tổ chức cuộc họp để chỉ đạo xã Hiệp Mỹ nổi dậy cướp chính quyền. Ngày 27/8/1945,dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Văn Quới lực lượng trong xã trong đó có bà con phật tử chùa Bà Sở với giáo mác, gậy gộc đã trương băng cở khẩu hiệu kéo về chợ Ô Lắc cướp chính quyền, chiếm trụ sở làng Hiệp Mỹ, buộc địch giao chính quyền vào ngày 28/7/1945.

Trong công cuộc “Trường kỳ kháng chiến” để khống chế phong trào cách mạng trong vùng, tháng 6/1951 thực dân Pháp đưa bọn Leon Leroy (UMDC) từ Bến Tre sang dùng tàu theo sông Thâu Râu vào đóng đồn tại chùa Bà Sở. Nhưng chỉ một tháng sau với sự hỗ trợ của bà con phật tử, Đại đội 380 của ta đã tập kích đồn làm địch thương vong nặng.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ chùa Bà Sở tiếp tục là trụ sở, là địa điểm dừng chân đóng quân của nhiều cơ quan như: Huyện đội, hậu cần, dân y, công trường huyện, Xã ủy, Huyện ủy, Tỉnh ủy…

Thất bại với chiến lược “chiến tranh đơn phương” địch chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt” chúng gom dân lập ấp chiến lược nhằm giành quyền làm chủ nông thôn. Tháng 8/1962, để chỉ đạo phương án phá ấp chiến lược, Xã ủy Hiệp Mỹ tổ chức cuộc họp tại chùa để Huyện ủy triển khai chỉ đạo. Sau đó phong trào đấu tranh bức rút đồn bót, phá ấp chiến lược dấy lên rầm rộ, đến cuối năm 1963 có 6/9 ấp của xã được giải phóng.

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 địch điên cuồng phản kích gây cho ta những khó khăn nhất định. Tháng 3/1968 Tỉnh ủy cử đồng chí Dương Văn Phan – Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy về chùa triển khai nghị quyết mới và chỉ đạo các xã bao vây đánh đồn bót, vận động binh lính quay về với gia đình. Cũng thời gian này các cơ quan đóng tại chùa Bà Sở được lệnh rút về căn cứ Rừng Lớn chỉ còn du kích xã ở lại tổ chức đánh địch và chống địch càn quét.

Ngày 27/7/1968 địch mở trận càn quét vào vùng căn cứ Rừng Làng– Hiệp Mỹ có trực thăng yểm trợ. Cuộc càn quét, bắn phá đã làm ngôi chùa hư hỏng nặng, nhiều tượng phật bị vỡ. Tháng 8/1969 địch lại mở trận càn bằng bộ binh có sự yểm trợ của chiến xa M113 và 2 trực thăng, nhưng quân dân du kích Hiệp Mỹ đánh trả quyết liệt và đã bắn rơi 1 máy bay.

Cũng tại chùa, ngày 5/12/1974 đồng chí Nguyễn Trường Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, chính trị viên tỉnh đội tổ chức cuộc họp với Thường vụ Huyện ủy, ban chỉ huy các Tiểu đoàn 501, 512, 509 triển khai kế hoạch giải phóng nông thôn, giải phóng Cầu Ngang. Trong chiến dịch này các xã: Nhị Trường, Long Sơn, Ngũ Lạc, hiệp Hòa, Mỹ Long tỉnh kết hợp với huyện giải phóng. Riêng Hiệp Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, quân dân Hiệp Mỹ nhất tề nổi dậy bao vây đồn bót buộc địch bỏ chạy giải phóng xã nhà trước 5 tháng so với ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.

Vì nằm trong vùng căn cứ lại là địa điểm đóng quân của ta, cho nên trong kháng chiến ngôi chùa cũng là mục tiêu càn quét, bắn phá của địch. Nhiều lần ngôi bị bom đạn làm hư hỏng, có giai đoạn địch chiếm chùa làm trụ sở. Thế nhưng nhứn vị sư và phật tử vẫn tin tưởng vào Đảng, bất chấp hy sinh đùm bọc, chở che bảo vệ cơ sở cách mạng. Chính nơi đây đã khởi xướng nhiều phong trào đấu tranh chính trị, phong trào bao vây bức rút đồn bót, phong trào phá ấp chiến lược. Ngoài ra, nhà chùa và bà con phật tử nhiều của cải cho cách mạng, có nhiều đồng chí trong ban Quản trị chùa là Đảng viên như: đồng chí Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Thạch, Mai Văn Phương, Nguyễn Văn Tịnh…

Với những thành tích đó, ngày 10/12/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 2513/QĐ-CTT công nhận chùa Phước Mỹ (chùa Bà Sở) là di tích lịch sử cấp tỉnh.                                                            

Văn Tưởng