Di tích chùa RATANADIPÀRÀMKOSKEO (Chùa Ô Mịch)
Lượt xem: 5190

Di tích chùa RATANADIPÀRÀMKOSKEO (Chùa Ô Mịch)


Nằm cách thị trấn Cầu Kè khoảng 2,5 km về hướng đông nam, cách thành  phố Trà Vinh khoảng 49 km về hướng tây, di tích chùa RATANADIPÀRÀMKOSKEO còn được gọi là chùa Ô Mịch.



Chùa Ô Mịch được xây dựng vào những năm giữa thế kỷ XVI. Trong những năm chiến tranh, ngôi chùa là công trình kiến trúc kiên cố duy nhất của ba ấp Ô Mịch, Sóc Ruộng, Rùm Sóc và nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của nhân nhân trong vùng, mà còn là địa điểm nuôi chứa cán bộ cách mạng, là nơi tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị và là vùng căn cứ của Huyện ủy Cầu Kè.


Những năm kháng chiến chống Pháp, dựa vào địa bàn chiến lược là cầu nối huyện lỵ với vùng trũng thấp, sình lầy, hiểm trở, cho nên Huyện ủy Cầu Kè quyết tâm bám dân xây dựng địa bàn thành khu căn cứ cách mạng vững chắc. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ và Hội Ủng hộ Bộ đội Isarak địa phương, dưới tác động tích cực của việc cấp đất cho dân cày, nhân dân trong vùng đã một lòng một dạ đi theo Đảng và bảo vệ cách mạng, trong đó nhà chùa có vai trò rất quan trọng cùng với sự đóng góp công sức to lớn của sư cả Thạch Som, Achar Thạch Sa Bút, đồng chí Thạch Thị Thanh (má Ba Thanh),…


Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, bộ đội ta tập kết ra Bắc, địch bắt đầu đánh phá ác liệt. Trước tình hình chưa có vũ trang, chùa Ô Mịch đã đi đầu trên mặt trận đấu tranh chính trị, nổi bậc là các cuộc đấu tranh chống lại Chỉ dụ số 02, số 07 về nông nghiệp và Chỉ dụ số 57 qui định về việc thu nộp tô của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tiêu biểu cho phong trào này là cuộc biểu tình ngày 21/3/1956, do má Thạch Thị Thanh dẫn đầu đã kéo lên quận Cầu Kè đấu tranh. Địch lấy cớ cho đây là cuộc bạo động chống chính quyền do Việt Cộng xúi giục nên đã ra tay đàn áp. Tên Quản Sen cho quân lính nổ súng đàn áp tại ngã ba Rừng Chuối và bắt đi 13 người gồm Phạm Văn Mười, Lê Văn Trí, Nguyễn Văn Giá, Lê Văn Thương, Sáu Giắc, Mười Tươi, Hai Mai, Tư Đến, Ba Nhơn, Sáu Lai, Ba Vuông, Thợ Rèn, Ba Muôn đày ra Côn Đảo.


Năm 1957 -1958, chùa Ô Mịch dưới sự trụ trì của sư cả Thạch Som đã xây một hầm bí mật dưới bàn thờ Phật tại chính điện để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Nhiều đồng chí cán bộ tại địa phương cũng như cán bộ của huyện, tỉnh đã được nhà chùa nuôi chứa, chở che như: đồng chí Thạch Sa Bút (Ma ha Sa Bút), Kim Sim (Chín Soái), Bảy Chánh, Bảy Phong, Tư Quỳnh, Hai Hà,… Địch nghi ngờ và cho bọn biệt kích đột nhập vào chùa nhưng chỉ bắt được đồng chí Thạch Két, cán bộ ấp Ô Mịch sau đó đem đi hành huyết bằng cách mổ bụng moi gan lấy mật. Chúng cho rằng làm như thế sẽ răn đe được phong trào Cộng sản. Thế nhưng, hành động man rợ ấy càng làm tăng thêm lòng căm thù trong quần chúng và sư sãi.


Trong hai năm này, chùa Ô Mịch là trung tâm sinh hoạt chính trị, địa điểm triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, nơi tập trung lực lượng trong vùng đấu tranh chính trị trong đó má Thạch Thị Thanh, Thạch Thị Thôn, Thạch Thị Son là những người nồng cốt, đi đầu. Đặc biệt, trong năm 1957, khi bọn biệt kích càn vào Ô Mịch lùng sục, bắt bớ, đánh đập những người dân mà chúng cho là có tham gia giúp đỡ cách mạng trong đó có anh Chiêng một nông dân Khmer bị trọng thương. Má Thạch Thị Thanh đến nhà anh Chiêng xem xét tình hình rồi bàn biện pháp đấu tranh. Má cùng bà con khiêng anh Chiêng lên trụ sở xã Châu Điền đấu tranh đòi địch không được bắt người vô cớ và phải chửa trị. Trước áp lực của quần chúng nhân dân mỗi lúc một đông, trước sự đấu tranh kiên quyết nên bọn địch phải chấp nhận đưa anh Chiêng đi chữa trị.


Ác liệt hơn khi đạo luật 10/59 của Ngô Đình Diệm được ban bố, chúng lê máy chém đi khắp nơi. Thế nhưng, sư sãi và đồng bào Khmer ở Ô Mịch vẫn một lòng trung thành với Đảng, cương quyết bảo vệ cách mạng. Mặc dù địch nghi ngờ đã cho bọn biệt kích đột nhập vào chùa lùng sục và đã bắt một cán bộ ấp là đồng chí Thạch Két tra tấn rồi mổ bụng nhưng đồng chí vẫn không khai báo, căn phòng nuôi chúa cán bộ trong chính điện vẫn giữ được bí mật.


Sau Đồng khởi năm 1960, các lực lượng vũ trang hình thành và hoạt động mạnh mẽ. Ô Mịch thật sự trở thành mối đe dọa cho an ninh của Chi khu Cầu Kè. Để mở rộng vòng vành đai phía tây, sau khi ấp chiến lược Ô Mịch bị ta phá bỏ, đầu năm 1961, địch lại tập trung binh lực đưa một đại đội lính bảo an do tên Tám Lắm cầm đầu vào chiếm chùa, làm đồn trấn thủ để gom dân hai ấp Ô Mịch (xã Châu Điền), ấp Sóc Ruộng (xã Hòa Ân) quyết tâm tái lập ấp chiến lược. Ý đồ của chúng là dựa vào nhà chùa, nơi có kiến trúc khá kiên cố để cố thủ, vì cách mạng sẽ không sử dụng lực lượng vũ trang tấn công nơi thờ phụng của tín đồ Phật giáo đề rồi từ đây càn quét ra xung quanh. Việc chiếm chùa Ô Mịch đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của bà con, sư sãi. Đồng bào kiên quyết đấu tranh đòi địch rút khỏi chùa, đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trực diện với địch nhưng không thành.


Nhận thấy chưa thể dùng lực lượng vũ trang tấn công địch bảo vệ căn cứ, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị và binh vận. Khí thế đấu tranh hết sức sôi sục, bà con phật tử, sư sãi hưởng ứng mạnh mẽ. Đi đầu là sư cả Thạch Som phản đối không cho địch đóng quân trong chùa, làm mất yên tịnh nơi thờ cúng tôn nghiêm, làm ô uế nhà chùa, chà đạp tín ngưỡng của đồng bào. Ngày 10/5/1961, địch bắt sư cả Thạch Som đưa về giam tại khám lớn Trà Vinh nhằm thực hiện ý đồ tách ly sư cả khỏi phong trào đấu tranh. Ngay sau khi địch bắt sư cả, sư sãi và đồng bào ba ấp Ô Mịch, Rùm Sóc, Sóc Ruộng đã liên tục tổ chức kéo nhau vào chùa, lên xã, lên quận, lên Ty Cảnh sát Vĩnh Bình (Trà Vinh) để đấu tranh. Mặc dù địch đã đàn áp các cuộc đấu tranh nhưng đồng bào sư sãi vẫn không khuất phục. Và sau bảy ngày giam giữ, chúng không thể thuyết phục được sư cả Thạch Som, lại phải đương đầu với các cuộc đấu tranh nên chúng phải thả sư cả trở về. Riêng bọn lính ở trong chùa vẫn ngoan cố trấn thủ. Huyện ủy Cầu Kè xác định, phải đuổi được địch ra khỏi chùa, xóa đồn trấn thủ hiểm yếu này mới phá được ấp chiến lược Ô Mịch. Phá bằng cách nào? tiến công bằng quân sự thì bọn địch sẽ dựa “thế Phật” tuyên tuyền rằng Việt Cộng đánh phá nhà chùa, xâm phạm tín ngưỡng để chia rẽ đồng bào với cách mạng, chia rẽ lương giáo.


Trong lúc cách mạng ở thế lưỡng nan đó, má Thạch Thị Thanh, một cán bộ phụ nữ đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị đã nảy ra sáng kiến kết hợp đánh địch bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận. Theo kế hoạch của má, vào ngày Đon-ta năm 1962 (22-24/9/1962), trong dịp cúng cơm Phật bà con, sư sãi sẽ cùng kéo nhau vào chùa đấu tranh đòi địch rút đi để bà con tổ chức lễ cúng Phật. Nếu bọn chúng không chịu rời chùa thì bà con sẽ rước Phật đưa đi. Khi chùa không còn Phật thì đó chỉ là cái bót của địch lúc đó ta sẽ dùng quân sự tấn công. Sáng kiến của má Thạch Thị Thanh được Huyện ủy Cầu Kè chấp thuận, bà con phật tử cùng sư sãi đồng tình hưởng ứng.


Sau đó, một phương án đánh địch ở Ô Mịch cùng lúc cả bằng tiến công chính trị, binh vận và quân sự được vạch ra, trong đó là sự hợp đồng của các đơn vị trong huyện với bộ đội của tỉnh do đồng chí Bí thư Huyện ủy Hồ Nam (Năm Đạt) và đồng chí Huyện đội trưởng Phạm Công Trung (Sáu Chánh) trực tiếp chỉ huy. Trước hết, Huyện ủy giao cho đồng chí Thạch Khênh - Huyện ủy viên và đồng chí Thạch Sang - Bí thư xã Hòa Ân chọn người vào ban chỉ huy đấu tranh công khai với địch. Ban này được chọn lựa rất thận trọng gồm có: vợ chồng anh Sơn Som ở xã Châu Điền cùng các chị Thạch Thị Tư, Thạch Thị Phêne, Thạch Thị Son ở xã Hòa Ân do má Thạch Thị Thanh dẫn đầu. Huyện ủy chỉ đạo trong toàn huyện, khi xã Châu Điền tiến hành đấu tranh, đồng bào tôn giáo của các xã ủng hộ bằng cách xuống đường biểu tình và sẵn sàng rước tượng Phật từ chùa Ô Mịch về nhà mình.


Kế hoạch “tản cư” Phật đánh địch được chuẩn bị sẵn sàng. Đúng ngày Đon-ta, má Thạch Thị Thanh dẫn đội quân chính trị đông tới 300 người vượt qua cổng gác, tiến vào chùa đưa ra yêu sách với những lý lẽ xác đáng. Bọn địch không thể chối cải, đuối lý chúng đem súng đại liên ra đe dọa. Ngay lập tức, đồng chí Sơn Som đã đến thuyết phục các tay súng, vì vậy súng đã không nổ nhưng xô xác xảy ra nhiều bà con đã bị đánh đập. Sau một thời gian giằng co, cuối cùng các tượng Phật cũng được bà con, sư sãi đem ra khỏi chùa và đưa xuống những chiếc xuồng chờ sẵn ở sông Ô Mịch rồi lướt sóng về an tọa ở chùa Rum Sóc, chùa Tam Ngãi. Phương án đánh địch ở Ô Mịch bước một đã thành công, phát huy thắng lợi, ngay đêm 23 rạng sáng 24 tháng 9 năm 1962, trong khi địch còn bàng hoàng tập trung cố thủ ở các công sự trong chùa thì ở ấp chiến lược bên ngoài, bà con đã đồng loạt nổi lửa tự đốt các chòi tre lụp sụp rồi ôm mùng chiếu, nồi niêu trở về nhà cũ. Trong lúc địch hoang mang cực độ, thừa thắng ta xông lên, quần chúng nhân dân kéo lên quận đấu tranh đòi địch phải bồi thường nhà ở và tài sản, vì chính phủ Quốc gia đã không bảo vệ được để Việt cộng về đốt phá. Tên quận trưởng buộc phải đích thân đi thị sát và trấn an đồng bào, đồng thời bồi thường cho mỗi hộ 24 tấm ton. Việc làm của tên quận trưởng chứng tỏ địch còn quyết tâm bám lấy Ô Mịch để xây dựng ấp chiến lược, và chắc chắn chúng sẽ đưa quân chi viện, cho nên ta đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch phục kích đánh địch. Đúng như dự đoán, đêm 30 tháng 9 năm 1962, địch dùng máy bay oanh tạc ném bom bắn phá quanh chùa rồi đưa quân từ Cầu Kè đến chi viện. Chúng đã đi đúng vào nơi phục kích của du kích hai xã Châu Điền và Hòa Ân cùng Đại đội 509 của tỉnh. Kết quả, ta tiêu diệt một trung đội địch, bắn rơi một máy bay trực thăng thu nhiều vũ khí. Số sống sót bỏ chạy toán loạn, bọn địch ở trong chùa hoảng hốt bỏ đồn rút chạy về Cầu Kè, ấp Ô Mịch được giải phóng.


Một tháng sau, địch ngoan cố mò đến đóng lại đồn, nhưng lần này không dám chiếm chùa mà đóng đồn ở ngã ba Ô Mịch để tiếp tục thực hiện kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược. Đồng bào và sư sãi chùa Ô Mịch tổ chức đấu tranh, đồng thời phối hợp với cán bộ bao vây đồn địch và đã tiêu diệt được tên trưởng đồn. Ta tiếp tục xiết chặt vòng vậy, chỉ nửa tháng sau bọn địch phải bỏ đồn rút chạy. Mặc dù vậy, địch vẫn ngoan cố cho máy bay đến bắn phá ngôi chùa và đưa bốn tên gián điệp vào ấp Ô Mịch hoạt động. Thế nhưng, đồng bào, sư sãi đề cao cảnh giác đã kịp thời phát hiện và báo cho tổ chức cách mạng bắt gọn trong đó có một tên đội lớp tôn giáo mặc áo cà sa.


Kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của địch không thể thực hiện, ấp Ô Mịch được giải phóng, bà con sư sãi vui mừng tổ chức rước Phật về chùa. Rồi từ đó cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giài phóng, sư sãi chùa Ô Mịch và nhân dân ba ấp Ô Mịch, Sóc Ruộng, Rùm Sóc luôn là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh chính trị ở huyện Cầu Kè. Nhiều đồng chí cán bộ của tỉnh, huyện, xã đã được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ trong hai cuộc kháng chiến như: Thạch Đông (Hai Sê), Kim Sim (Chín Soái), Acha Phơ, Acha Kiền, Thạch Ek, Thạch Voi (Hai Voi), Trần Láy (Ba Oai), Sơn Kiêu (Bảy Chanh), Thạch Pâne (Tư Nhân), Kiên Siếp (Năm Huỳnh), Thạch Chhêng (Chín Tranh), Thạch Rây (Ba Tâm), Thạch Niên (Tư Niên), Thạch Tuône (Sáu Tiến),... Đặc biệt, có 29 sư sãi khi hoàn tục đã gia nhập bộ đội kháng chiến cứu nước trong đó tiêu biểu nhất là hòa thượng Thạch Som.


Sự kiện “tản cư” Phật đánh địch giành thắng lợi làm chấn động trong vùng. Từ sự kiện này, soạn giả Thạch Chân đã viết kịch bản ca kịch Dù kê nổi tiếng “Trên nền chính điện” và được Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh dàn dựng và đi biểu diễn nhiều nơi, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân trong vùng.

Chùa RATANADIPÀRÀMKOSKEO (chùa Ô Mịch) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.


Văn Tưởng