DI TÍCH CHÙA PYSEY VARARAM
Lượt xem: 5573
DI TÍCH CHÙA PYSEY VARARAM

Tọa lạc ở ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chùa PYSEY VARARAM còn gọi là chùa Ba Sy được xây dựng cách nay hơn 400 năm.

Từ những ngày sau Cách mạng tháng 8/1945, sư cả chùa là Thạch Khmau đã nuôi chứa bảo vệ cán bộ cách mạng ngay trong chánh điện. Vì vậy, địch nghi ngờ cho nả pháo làm sư cả bị thương và viên tịch.

Khi sư Sơn Thanh lên thay trụ trì, liền tổ chức phật tử và quần chúng nhân dân biểu tình đòi địch không được bắn pháo vào chùa, đòi giảm tô, giảm thuế và vận động thanh niên tham gia Việt Minh; vận động phật tử đóng góp lúa gạo, thuốc uống, vải sợi, dầu lửa... phục vụ kháng chiến.

Bước sang giai đoạn 6 năm chính trị (1954 – 1960), chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc đã tung tiền bạc, vật chất, địa vị mua chuộc số địa chủ, mẹ sróc, sư sãi và bắt lính, đôn quân thành lập những đơn vị người Khmer đẩy đi bắn giết gây chia rẻ giữa đồng bào Khmer với đồng bào Kinh. Thấy ý đồ thâm độc của địch, sư Thạch Sa Bút lúc này đang tu ở chùa đề xuất thành lập trường trung học của tỉnh dạy chữ Khmer và đào tạo cán bộ. Ý định đó được tổ chức tán thành và nhà chùa đã hiến một số cây sao, cây dầu cất trường Răs SmâyChă Ri Gia (Trường Minh Đức) vào năm 1955. Đến năm 1957, chính quyền ngụy không cho trường hoạt động và phải đóng cửa. Tuy chỉ hoạt động hơn hai năm, nhưng nhiều học sinh của trường khi trưởng thành đã tham gia cách mạng trong đó tiêu biểu có ông Sơn Wên, Sơn Wang...

Cũng năm này, sư Thạch Sa Bút bí mật tổ chức họp mặt tại chùa Ba Sy nhằm chuyển phong trào đấu tranh trong giới phật tử ở các chùa Khmer trong tỉnh thành phong trào đấu tranh hợp pháp. Theo sự chỉ đạo của ông Ma ha Sơn Thông Khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Kỹ luật sư sãi (Hội Mê-kon) đứng ra chủ trì lễ Phật đản năm 2500 Phật lịch tại chùa Sam Rông Ek. Buổi lễ có trên 70 chùa trong tỉnh với hơn 7.000 người tham dự. Sau bài diễn văn, đến phần diễn đàn tự do về ngày Phật đản, các vị sư đại diện các chùa lần lượt lên tiếng tố cáo chính sách đồng hóa dân tộc, đòi dân sinh, dân chủ, đòi chính quyền Diệm phải thi hành hiệp định Giơ - ne – vơ. Kết thúc cuộc lễ các kiến nghị được gởi đến chính quyền tỉnh Vĩnh Bình và ông Sum Hiên, đại sứ quán Cam - pu - chia tại Sài Gòn.

Được tiếp xúc thường xuyên với các cán bộ Khmer vận của tỉnh, sư cả Sơn Khune hiểu thêm kế họach đánh Mỹ - Diệm của Đảng ta. Giai đoạn này bắt đầu đổi hướng hoạt động từ đấu tranh trong hòa bình, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu chuyển sang đấu tranh công khai hợp pháp. Phong trào ngày càng lan tỏa mạnh, các cán bộ cách mạng về chùa nhiều hơn. Trong chùa được sư cả sắp xếp lại, dọn chỗ ở chánh điện, sa la để nuôi chứa các ông như: Ma ha Sơn Thông, ông Thạch Minh Mẫn, ông Pháte Thanh, ông Ba Nhung, ông Ma ha Sa But... Xác định muốn nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng an toàn phải có hầm bí mật, chùa đã đào hầm để cán bộ ẩn náu khi có động. Các cán bộ như Thạch Minh Mẫn (Ba Thành), ông Sơn Tho (Chín Thành), ông Ba Nghiêm, ông Ba Nhung, ông Thạch Đông, ông Hai Tắc thường có mặt tại chùa. Các đồng chí Trần Lái, ông Nguyễn Đáng, ông Práte Thanh, ông Trần Thành Đại, ông Sáu Đá, ông Sơn Wênh, ông Ba Nhung... thường xuyên bám trụ vùng này để hoạt động.

Năm 1964, biết được nhà chùa nuôi chứa cán bộ nhưng chưa đủ chứng cứ để buộc tội, địch liền cho đóng đồn gần trước cửa chùa để theo dõi. Thế nhưng chúng vẫn không tìm ra manh mối, vì vậy đã cho pháo bắn phá làm  sư Thạch Sao Nang cùng một số bà con phật tử bị thương. Chính điện và sa la chùa bị hư hỏng nặng càng làm quần chúng nhân dân căm phẫn. Các vị sư của chùa vẫn không nao núng, tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Sau cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, để giành lại thế chủ động địch chuyển hướng chiến lược đánh ra vùng ven, lấn sâu vào vùng giải phóng nhằm khống chế ta. Đối với chùa Ba Sy, ngôi chùa mà bọn chúng gọi là chùa “Hồ Chí Minh” thì chúng không ngần ngại nả pháo. Tháng 6/1968,  địch bắn pháo vào chùa và vùng phụ cận làm sa di Thạch Bích cùng 04 người trong gia đình ông Thạch Hòa chết. Ông Thạch Hòa nhanh chóng vào chùa bàn chuyện với sư cả Sơn Khune, sư cả phẫn uất bởi tội ác dã man của địch bèn cho phật tử mang xác nạn nhân đến đấu tranh tại trụ sở tề xã Phương Thạnh. Đoàn đấu tranh vây quanh trụ sở hô vang khẩu hiệu “đả đảo quân giết người” và buộc chúng phải hứa không bắn pháo vào nhà dân, chùa chiền. Nhưng chẳng bao lâu sau, địch lại ập vào chùa tìm bắt các sư đi lính nhưng dấp phải sự đấu tranh quyết liệt của các vị sư cùng bổn đạo. Để bảo vệ con sróc, sư cả Sơn Khune phối hợp với các chùa khác như chùa Bình Phú - Càng Long, chùa Bình La - Châu Thành, chùa Sam Bua, chùa Srắ Neak thị xã Trà Vinh... tổ chức lên tỉnh đấu tranh. Cuộc biểu tình đã diễn ra nhiều ngày liên tục. Để cuộc đấu tranh không bị gián đoạn, các sư phải tìm các điểm chùa ở gần tỉnh lỵ như chùa Kompong, chùa Phướng, chùa Tri Tân tá túc. Hàng ngày, cứ đến 3-4 giờ sáng thì tập trung lại kéo đến cơ quan đầu não của địch đấu tranh. Các sư vạch cả hàng rào kèm gai, đầu bịt túi nylon che hơi ngạt tiến lên đấu tranh đòi địch phải chấp nhận yêu sách “không được vào chùa bắt lính”.

Nhằm đề phòng địch tấn công vào chùa hạn chế tử vong, một số sư và phật tử thân tín có giấy căn cước được hòa thượng Sơn Khune giao nhiệm vụ đi chợ mua thuốc, băng gạt về dự trữ tại chùa.

Những cuộc đấu tranh của chùa mà người đứng đầu là sư cả Sơn Khune luôn dựa vào triết lý nhà Phật để giáo dục làng lính không được đàn áp, khủng bố đồng bào. Nhà chùa kết hợp với cán bộ cách mạng làm tốt công tác binh vận, đã thuyết phục gần 200 binh lính giác ngộ cách mạng trở về với gia đình làm ăn sinh sống. Bên cạnh đó còn tích cực ủng hộ vật chất  và vận động đồng bào phật tử đóng góp nhiều của cải, lúa gạo, cây gỗ, thuốc men, vải sợi, dầu lửa để cán bộ, chiến sĩ ta có thêm điều kiện kháng chiến nhanh chóng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất nước nhà.

Trong hai cuộc kháng chiến chùa Ba Sy đã nuôi chứa bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng trong đó có ông Ma ha Sơn Thông - nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội. Ông Thạch Minh Mẫn (Ba Thành) - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh. Ông Sơn Tho ( Chín Thành) - nguyên Phó ban Dân tộc tỉnh Cửu Long. Ông Sơn Wênh - nguyên tỉnh ủy viên, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh. Ông Sơn Wang - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ông Trần Thành Đại - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, đại biểu Quốc Hội Khóa VI. Ông Trần Lái - nguyên Trưởng ban Khmer vận tỉnh Trà Vinh…

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, chùa Ba Sy không ngừng phát triển về mọi mặt. Đồng bào phật tử chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chăm chỉ lao động sản xuất phát triển kinh tế. Việc tổ chức các lễ hội luôn gọn nhẹ vui tươi, đoàn kết, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Hàng năm chùa đều mở lớp học Pali, giáo lý và chữ Khmer cho tăng sinh, cho con em đồng bào phật tử vào ba tháng hè. Thư viện chùa có hàng ngàn quyển sách, báo đủ loại để bá tánh tra cứu và học tập. Chùa Ba Sy đã được Ủy ban hân dân huyện Càng Long công nhận là “Cơ sở tôn giáo tín ngưỡng văn minh”, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 2631/QĐ-BVHTTDL ngày 18/7/2012.

                                                                              Văn Tưởng