Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
Lượt xem: 4615
Theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ mức phạt tiền vi phạm về trật ự xây dựng được điều chỉnh tăng từ 1,5 đến 2 lần so với Nghị định 139/2017/NĐ-CP và tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao trong việc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, mức phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Nghị định số 16 đã bãi bỏ quy định về 121 hành vi vi phạm, sửa đổi bổ sung 185 hành vi, bổ sung mới 138 hành vi, đồng thời điều chỉnh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, quy định tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao như: Lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; trật tự xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý sử dụng nhà chung cư; hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, đối với vi phạm về lập, điều chỉnh quy hoạch, Nghị định 16 xử phạt tối đa lên đến 300 triệu đồng (tăng 4,5 lần so với Nghị định 139). Với vi phạm về trật tự xây dựng, mức xử phạt tiền cao nhất đến 1 tỷ đồng nhưng ở Nghị định 16 mức phạt tiền được phân tách cụ thể đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn,...; mỗi hành vi xử phạt có mức phạt tiền tăng từ 1,5 lần trở lên so với Nghị định 139.

Đối với vi phạm về kinh doanh bất động sản, Nghị định 16 tăng mức xử phạt lên đến 1 tỷ đồng (mức tối đa Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 quy định). Nghị định mới cũng nâng mức xử phạt về vi phạm quy định quản lý, phát triển nhà lên 150 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với Nghị định 139.

Với hành vi sai giấy phép xây dựng, Nghị định 16 đã tách thành 2 nhóm hành vi để xử phạt. Mức phạt tiền từ 15 đến 120 triệu đồng. Nghị định 139 quy định mức xử phạt chỉ từ 10 đến 50 triệu đồng.

Một điểm mới đáng chú ý của Nghị định 16 là hành vi xây dựng trên đất không đúng mục đích sẽ chỉ xử phạt theo Luật Đất đai và Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai (khoản 11, Điều 16). Thay đổi này đã khắc phục việc quy định không cụ thể của Nghị định 139, dẫn tới có trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp bị xử phạt cả 2 hành vi (tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và xử phạt hành vi xây dựng không phép) nhưng thực chất người vi phạm chỉ có 1 hành vi vi phạm.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định 16 đã điều chỉnh thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt của Chủ tịch UBND huyện, Chánh thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành bộ, sở cụ thể hơn so với Nghị định 139. Cụ thể như tăng mức xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện lên 200 triệu đồng (tăng gấp 2 lần so với Nghị định 139)…

Ngoài ra, Nghị định 16 cũng quy định các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi sai phép, không phép, sai quy hoạch mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hoặc tái phạm...

P.A

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image