Phòng, chống HIV/AIDS: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Lượt xem: 6758
Ngày 31/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Chỉ thị số 54-CT/TW “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”. Theo đó, ngày 07/3/2006, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 01-KH/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 54. Trong 15 năm qua, với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội, người dân về phòng, chống HIV/AIDS đã nâng cao rõ rệt. Qua triển khai quán triệt, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng; về tính chất, mức độ nguy hiểm; đồng thời, xác định phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm trọng tâm, hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đó, cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm lây nhiễm HIV/AIDS; các đoàn thể, các tổ chức xã hội tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đại bộ phận tuổi trẻ tỉnh nhà đều tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, góp phần vận động, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS

Theo các cơ quan liên quan, đến ngày 31/5/2020, số ca nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh 2.338 trường hợp, chuyển sang AIDS 1.645 trường hợp. Từ ca nhiễm đầu tiên vào tháng 4/1993, nay đã có ở 106/106 xã, phường, thị trấn có người nhiễm. Trong đó, nữ chiếm 37%, nam chiếm 63%, nguồn lây chủ yếu qua đường tình dục (chiếm 86%), độ tuổi nhiễm cao nhất từ 20-39 tuổi, số trường hợp tử vong gần 1.000 người.

Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị đã tập trung tham gia phòng, chống HIV/AIDS; từng bước khống chế dịch bệnh và hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, trong 05 năm qua, kinh tế-xã hội phát triển mạnh, GRDP bình quân tăng trên 12%/năm, đời sống của người dân không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân 29,8 triệu đồng/người/năm của năm 2015, cuối năm 2019 đạt 59 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,32%, các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trình độ dân trí nâng lên, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Kết cấu ngành y tế luôn được quan tâm đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 129 cơ sở khám, chữa bệnh công lập (tuyến tỉnh 09, tuyến huyện 09 và tuyến xã, phường, thị trấn 102) và 06 cơ sở tư nhân (Bệnh viện Đa khoa tư nhân Minh Tâm và 05 phòng khám đa khoa tư nhân: Thiên Ân, An Phúc, Đặng Tuyền, Hà Anh, Sài gòn Thành Vinh), đạt 8,9 bác sĩ, 22,49 giường bệnh/10.000 dân; 90/106 trạm y tế có bác sĩ làm việc, 100% ấp, khóm có nhân viên y tế cộng đồng. Các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 54 và Kế hoạch số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, đông đảo quần chúng Nhân dân đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS; giảm đáng kể việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời, những người bị nhiễm bệnh và gia đình thấy rõ trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; huy động sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng dân cư, xã hội, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định kinh tế, chăm sóc, điều trị người bệnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, phân tích đánh giá tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh, có kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS gắn với phòng, chống các tệ nạn ma túy, mại dâm. Ngành y tế phối hợp với UBND các cấp tổ chức chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ động khoanh vùng đối tượng khi có dấu hiệu phát bệnh; theo dõi, phân tích đánh giá mức độ lây nhiễm để xử lý kịp thời, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hiện nay dưới 0,2%. Song song đó, đa dạng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS nhằm thay đổi hành vi, nhận thứ của mọi người: công tác thông tin, giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về HIV/AIDS. Duy trì và thực hiện thường xuyên hình thức tuyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS để tư vấn, đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng cho các nhóm có hành vi cao, các dịch vụ hành nghề tiềm ẩn khả năng lây nhiễm HIV, tổ chức tuyên truyền pháp luật có liên quan cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, ký cam kết chấp hành và không vi phạm về ma túy, mại dâm làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cũng được chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường, lực lượng ĐVTN.

Những kết quả đạt được trong 15 năm qua về phòng, chống HIV/AIDS nhờ các cấp ủy, chính quyền nhận thức đầy đủ trong lãnh đạo, chỉ đạo; đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch và kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu; tham mưu, đề xuất kịp thời. Xem trọng công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, trên cơ sở đặt ra các biện pháp dự phòng sát với yêu cầu thực tế địa phương; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong kỹ thuật truyền máu và các dịch vụ y tế. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư từng bước tạo lối sống văn minh; phát huy tinh thần tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho cộng đồng cũng như những người nhiễm bệnh, gia đình thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia. Những kết quả đạt được của 15 năm qua, là động lực, tiền đề để thời gian tới tiếp tục khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.  

Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; ngoài tờ bướm, băng rol, pa-no, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động, việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS còn được sân khấu hóa tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan gia đình ấp, khóm văn hóa (đã có 90 chương trình được dàn dựng và biểu diễn). Báo Trà Vinh đã đăng tải gần 2.000 tác phẩm báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh lồng ghép trong các chuyên mục,chuyên đề “Sức khỏe cho mọi nhà”, “văn hóa-xã hội”, “An ninh Trà Vinh”… Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép vào các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa; các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo viết, điện tử... Đáng chú ý là các cấp bộ đoàn, giáo viên, học sinh - sinh viên là lực lượng tích cực, đông đảo tham gia các cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, qua đó nâng cao nhận thức, góp phần tuyên truyền hiệu quả.

Bài, ảnh: Trường Nguyên


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image