Hội nghị Thủ tướng Chính Phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài
Lượt xem: 6004
Sáng ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 điểm cầu địa phương và khoảng 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.  

 

Tại điểm cầu Trà Vinh có ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và kết hợp các doanh nghiệp tại tỉnh Trà Vinh.

Quang cảnh tại điểm cầu Trà Vinh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Hội nghị lần này là dịp để các Bộ, ngành, địa phương và các đại biểu trao đổi, thảo luận, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.

 Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản về kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế.

 Theo đó, cán cân thương mại xuất siêu  4,07 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 19% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,3 tỷ USD; tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước; du lịch phục hồi tích cực, khách quốc tế 3 tháng đầu năm đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng29,7 lần cùng kỳ.

 Đặc biệt, năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, đây là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nếu năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để "tăng tốc". Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.

Ngoài ra, hội nghị còn dành thời gian để các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Tổ chức, Liên minh cùng các địa phương chia sẻ, đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản nhất trí với những ý kiến và đề xuất tâm huyết, sâu sắc, xác đáng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính Phủ đề xuất một số nội dung để cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện trong thời gian tới:

Về cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững thân thiện môi trường; thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực,... triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc Bình