Ngành nông nghiệp 2022: Kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục trên 53,22 tỷ USD
Lượt xem: 3236
Sáng ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. 

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan dự hội nghị.

Triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 với nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, ngành NN&PTNT đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%.

Có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên 78%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022. Có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su, cà phê) .

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc. Lũy kế đến hết năm 2022 đã phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn so với năm 2021. Chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP…

Tại Trà Vinh, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 là 29.556 tỷ đồng, đạt 95,22% kế hoạch, tăng 2,79% so với cùng kỳ, chiếm 30,29% GRDP toàn tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng 4,07% (đạt 100% kế hoạch). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%. Có thêm 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, 10 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, đạt 100% kế hoạch; hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt huyện nông thôn mới.

Năm 2023, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 3,0%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 78%; 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%....

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tích của ngành nông nghiệp, đồng thời mong muốn ngành tiếp tục nỗ lực vượt khó, phát triển bền vững, bứt phá và mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; có đóng góp lớn vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những bài học kinh nghiệm quan trọng mà Bộ NN&PTNT cần lưu ý trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Đó là sự đoàn kết, thống nhất cả nhận thức và hành động; nắm chắc tình hình thực tiễn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư, phát triển; phối hợp chặt chẽ, thực chất giữa cái bộ, ngành, địa phương.

Bộ NN&PTNT cần quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại, chú trọng phát triển bền vững, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của ngành thủy sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công; tập trung ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn…

Phương An