Hòa Thượng Sơn Vọng (1886 - 1963)
Lượt xem: 11661
    Thời niên thiếu, Sơn Vọng được thân sinh gửi vào chùa Chêk Chrôm (người Việt quen gọi là chùa Giữa thuộc ấp Kim Hòa, xã Kim Hòa) theo thầy học hành và tu dưỡng đạo đức. Năm 1901, ở tuổi mười lăm, Sơn Vọng bước vào cửa phật tu hành bậc sa di và bắt đầu lặn lội từ chùa này đến chùa nọ như chùa Can Snom (Nhị Trường, Cầu Ngang), chùa Ông Mẹt (Thị xã Trà Vinh), chùa Âng (Nguyệt Hóa, Châu Thành), chùa Ô Đùng (Hiếu Tử, Tiểu Cần)… trong nhiều năm trời tìm kiếm nơi học hành mong ngày học thành tài. Sa di Sơn Vọng học tập rất chăm chỉ, am hiểu về kinh kệ nhà phật và hiểu biết nhiều về kiến thức xã hội, được các vị Hòa Thượng mến mộ, mọi người yêu thương kính trọng. Nhưng càng học nhiều, càng hiểu rộng, tu sĩ Sơn Vọng càng thấy đau lòng vì cảnh nước mất nhà tan, dân làng thất học và đói nghèo.

    Những năm đầu thế kỉ XX, tu sĩ Sơn Vọng đã trưởng thành. Đây là thời kỳ thực dân đẩy mạnh khai thác thuộc địa khiến nhân dân ta sống trong cảnh lầm than cơ cực. Cái nghèo không chỉ đeo đẳng đối với đồng bào Khmer, mà cả đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam anh em, chỉ có bọn quan lại phong kiến sống bằng xương máu nhân dân, một nhúm nhỏ điền chủ theo Tây phát canh, thu tô mới giàu có. Còn nhân dân lao động, ngày ngày phải phơi mình quần quật làm việc, lại bị bọn thực dân-phong kiến, cường hào ác bá bóc lột đến tận xương tủy. Ở làng Kim Hòa-xứ sở đất giồng khô cằn, cánh đồng nhiễm mặn quanh năm không thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, mùa màng thất bát thường xuyên. Đã vậy, dân làng còn phải gánh chịu nhiều thứ thuế do bọn thực dân-phong kiến đặt ra, đồng thời bọn địa chủ ở đây ra sức thu tô, cho vay nặng lãi khiến dân làng khốn khổ trăm bề. Trước cảnh bất công ấy làm sau một tu sĩ Sơn Vọng giàu lòng bác ái không thấy đau lòng? Dù là người tu hành vô với chuyện đời đi chăng nữa cũng phải chạnh lòng xót xa.

    Bọn thực dân áp đặt chính sách ngu dân để dễ cai trị dân ta. Bọn quan lại phong kiến thì nhu nhược, không quan tâm đến học hành của quần chúng nhân dân. Đại bộ phận nhân dân lao động đều mù chữ. Đối với đồng bào Khmer, việc học tập trung ở điểm chùa nhưng luôn bị bọn thực dân cấm cản, nếu cho phép cũng rất hạn chế. Do đó tu sĩ Sơn Vọng rất quan tâm đến việc học hành trong quần chúng nhân dân nhằm nâng cao kiến thức, mở rộng sự hiểu biết. Dù ở đâu, bất kỳ lúc nào, mỗi lần thuyết pháp, Hòa Thượng luôn nhắc nhở việc học hành, đồng thời vạch trần chính sách ngu dân của bọn thực dân phong kiến. Năm 1926, tu sĩ Sơn Vọng được sư sãi, phật tử bầu làm Sư trụ trì chùa Chêk Chrôm (tức chùa Giữa). Khi giữ chức vụ Trụ trì, Hòa Thượng Sơn Vọng bắt tay ngay vào việc củng cố, tổ chức và phát triển việc học hành. Hòa Thượng vận động quyên góp tiền bạc xây dựng nhiều phòng học, tạo điều kiện thuận lợi cho dân sóc học hành; Đồng thời vận động các chùa trong tỉnh tự tạo ra cơ sở vật chất, động viên các phật tử, nhất là thế hệ trẻ ra sức học hành, mở rộng kiến thức. Từ đó, phong trào giảng dạy và học tập trong nhà chùa có sự chuyển biến tích cực, đào tạo được nhiều trí thức Khmer như: Maha Mai Tấn Nhơn, Maha Sơn Thông, Chan sa mây (Lâm Phái), Sơn Phước Rọt,…bổ sung cho phong trào cách mạng. Với những đóng góp to lớn đó, Hòa Thượng Sơn Vọng luôn chiếm được cảm tình của đồng bào sư sãi, uy tín và tên tuổi của Hòa Thượng ngày một nâng cao.

    Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 mở đầu kỉ nguyên mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Ở Trà Vinh, hệ thống mặt trận Việt Minh và các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở không lớn mạnh về mọi mặt đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần cách mạng của Hòa Thượng Sơn Vọng. Từ đó, Hòa Thượng tích cực vận động đồng bào sư sãi góp sức, góp của xây dựng chính quyền cách mạng vừa được thành lập còn non trẻ. Không được bao lâu thì tháng 12/1945 thực dân Pháp quay lại tái chiếm tỉnh Trà Vinh; Bên cạnh các hoạt động quân sự, thực dân Pháp ra sức gieo rắc tâm lý kỳ thị dân tộc trong cộng đồng dân cư Trà Vinh, đặc biệt là những người Khmer với người Việt. Chúng đưa những toán lính ngụy người Việt đi càn quét, cướp bóc trong những phun sóc người Khmer và đưa những toán lính ngụy người Khmer đi càn quét, cướp bóc trong những thôn ấp người Việt. Đồng thời chúng ra sức chia rẽ kỳ thị giữa các tôn giáo nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng. Với uy tín của mình, Hòa Thượng luôn vạch trần công khai trước đồng bào, sư sãi, phật tử Kinh-Khmer âm mưu đen tối của thực dân Pháp và đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, lương giáo, tạo nên sức mạnh chống kẻ thù chung, góp phần phá vỡ âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo của thực dân Pháp.

    Năm 1954, hòa bình lập lại nhưng đất nước còn chia cắt hai miền Nam – Bắc. Mỹ -Diệm cố tình phá vỡ Hiệp định Giơ-ne-ve, không tổ chức hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới: Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Năm 1957, Hòa Thượng Sơn Vọng được đồng bào sư sãi trong tỉnh bầu làm Mê Kon (Chủ tịch Hội Phật giáo Khmer cấp tỉnh) nhưng bị bọn ngụy quyền phế truất vì chúng e sợ uy tín và tên tuổi của Hòa Thượng ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong đồng bào sư sãi trong và ngoài tỉnh sẽ có lợi cho cách mạng. Thay vào đó chúng dùng quyền lực đưa sư Keo Sme là tay sai đắc lực của chúng làm Mê Kon. Mặc dù ngụy quyền dựng lên một Mê Kon tay sai của chúng nhưng vẫn không thể nào dập tắt được lòng yêu thương kính trọng và sự ủng hộ của đông đảo đồng bào sư sãi trong và ngoài tỉnh dành cho Hòa Thượng Sơn Vọng. Chính sự kiện này đã có tác dụng ngược lại, phần lớn đồng bào sư sãi rất căm phẫn chế độ ngụy quyền.

   Chính sách đồng hóa dân tộc và tôn giáo cùng với việc ban hành Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm đã gieo rắc lòng căm thù trong nhân dân đối với Mỹ-Ngụy. Giữa năm 1960, dưới sự tổ chức của cách mạng, Hòa Thượng Sơn Vọng dẫn đoàn biểu tình hơn chục ngàn người tiến vào Hội Mê Kon chống chính sách đồng hóa dân tộc, đòi dân sinh, dân chủ, tự do tín ngưỡng, đòi phóng thích Acha Lui Sarát và các tù nhân yêu nước. Kể từ đó, phong trào chống Mỹ-Diệm ngày càng sôi nổi, lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày lễ Đôlta tháng 9 năm 1960, Hòa Thượng Sơn Vọng tham gia lãnh đạo đoàn biểu tình khoảng 40.000 người tiến vào dinh Tỉnh trưởng chống bắt lính, chống ném bom vào chùa, đồng thời kêu gọi binh lính ngụy hãy buông súng trở về với gia đình. Những cuộc biểu tình của sư sãi, đồng bào các dân tộc trong tỉnh góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ở chiến trường miền Nam, buộc địch phải thay đổi sách lược có lợi cho phòng trào cách mạng.

    Với thành tích và uy tín đó, tháng 3/1961 Hòa Thượng Sơn Vọng được Đảng cách mạng đề cử làm cố vấn Mặt trận Dân tộc giải phòng miền Nam. Sau đó, Hòa Thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng bào hòa bình thế giới miền Nam Việt Nam.

    Năm 1963, Hòa Thượng lâm bệnh nặng vì tuổi già. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Hòa Thượng đã qua đời vào ngày 5 tháng 3 năm 1963 tại chiến khu Cà Mau, hưởng thọ 77 tuổi.

    Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ Trà Vinh trang trọng đưa hài cốt của Hòa Thượng về quê nhà, hiện đang được thờ cúng tại chùa Chêk Chrôm (tức chùa Giữa).

    Với công lao và đức độ cao quý đó, chùa Chêk Chrôm ngày xưa, nay vinh dự được mang tên của Hòa Thượng chùa Sơn Vọng.